Nghịch lý của những ngôi nhà mặt phố tiền tỷ ở con đường thời trang Hà Nội
Chùa Bộc, Kim Mã, Hàng Gai… vốn là những tuyến phố đắt khách thuê, với mức giá cả nghìn đô la nhưng nay, nhiều mặt bằng chịu cảnh ế ẩm dù đã giảm giá.
Mặt bằng nhà phố "hái ra tiền" ế ẩm do Covid-19
Giữa tháng 7, nhiều căn nhà phố mặt tiền (đa số 2-3 tầng) nằm trên các tuyến đường chuyên kinh doanh thời trang của Hà Nội như hàng Gai, Kim Mã, Quán Thánh, Nguyễn Trãi... trong tình trạng "cửa đóng then cài", đỏ rực biển rao bán, chuyển nhượng và cho thuê.
Thực tế gần 4 tháng qua, các mặt bằng bán buôn, kinh doanh bỏ trống tại các con phố sầm uất kinh doanh đã trở nên phổ biến do buôn bán ế ẩm, trong khi đây vốn là những điểm luôn đắt khách thuê với mức giá cao ngất ngưởng.
Đơn cử, tại Hàng Gai, việc thiếu vắng khách du lịch quốc tế khiến cho tình hình kinh doanh tại đây còn gặp nhiều khó khăn, các cửa hàng kinh doanh thời trang, đồ lưu niệm vẫn đóng cửa hoặc treo biển cho thuê giá rẻ.
Bà Thu Hà, chủ căn nhà 5 tầng rộng 500m2 trên phố Kim Mã cho biết, kể từ khi chủ hàng thời trang thuê mặt bằng này thanh lý hợp đồng, sau gần 3 tháng treo biển cho thuê, căn nhà của bà vẫn chưa có khách. Thậm chí, mức cho thuê đã giảm 20% so với trước đây, về còn 3.800 USD/tháng (khoảng 88 triệu đồng/tháng) vẫn không ai "ngó ngàng".
"Trước đây, chỉ rao cho thuê vài ngày là đã có khách đặt cọc, nhưng đúng là chưa có khi nào mà đến vài tháng vẫn phải đóng cửa nhà để đó như bây giờ. Cũng có khách gọi điện hỏi thuê nhưng nghe đến giá là họ chê đắt, rồi muốn xin hạ giá, hoặc đóng tiền thuê 3 tháng một lần chứ không phải theo năm như trước.
Mặc dù cũng muốn hỗ trợ khách thuê, nhưng thường thì hợp đồng dài hạn đóng tiền nhà từ 6 tháng nên tôi đành để trống căn nhà, tính phương án khác", bà Hà nói.
Không còn cảnh xếp hàng đặt cọc thuê nhà mặt phố như trước đây, nhiều chủ nhà cho biết, có những khách tìm đến ngỏ ý thuê chung mặt bằng, chia ca và trả tiền theo từng ca hoặc đề xuất được giảm các chi phí như điện, nước, phí vệ sinh… để tiết kiệm chi phí trong thời buổi khó khăn.
Trên các trang rao vặt bất động sản, để hút khách thuê, hầu hết chủ nhà có diện tích cho thuê kinh doanh đều chấp nhận giảm từ 20 - 30% giá thuê nhà. Đơn cử, giá cho thuê nhà bốn tầng 35m2, mặt tiền phố Kim Mã là 22 triệu đồng/tháng và miễn phí hai tháng để ổn định kinh doanh.
Nhiều kiot tại siêu thị, trung tâm thương mại vẫn đóng cửa
Không chỉ nhà mặt tiền phố lớn, mặt bằng cho thuê tại trung tâm thương mại, đại siêu thị cũng rơi vào tình trạng ế ẩm dù đã giảm giá thuê, với tình cảnh các kiot, gian hàng đóng cửa san sát nhau.
Trong đó, nhóm hàng thời trang, giải trí, chăm sóc sắc đẹp chiếm tỉ lệ khá nhiều khi mà người dùng đang có xu hướng cắt giảm ngân sách cho nhóm hàng không cấp thiết này. Một số chủ gian hàng có diện tích thuê lớn tại đây cho hay, chi phí mặt bằng quá lớn khiến cho họ đang phải vật lộn để cầm cự, lấy lại đà kinh doanh vào 6 tháng cuối năm.
"Chúng tôi đã chi toàn bộ quỹ dự phòng rủi ro của công ty để cầm cự đến giờ, rất may là các trung tâm thương mại cũng hỗ trợ giảm giá cho thuê, nhưng hiện giờ còn nhiều khó khăn do sức mua giảm mạnh.
Nếu tháng tới không cải thiện doanh số, chúng tôi sẽ phải chuyển sang mặt bằng có diện tích nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí", Thu Hà, chủ chuỗi thời trang trẻ em tại trung tâm thương mại khu Hà Đông chia sẻ.
Thống kê của Savills Việt Nam về tình hình bất động sản Hà Nội 6 tháng đầu năm nay chỉ ra, giá thuê gộp trung bình tầng trệt giảm -2% theo quý và -3% theo năm xuống mức thấp kỷ lục hai năm. Khối đế bán lẻ và trung tâm mua sắm ghi nhận sụt giảm mạnh hơn so với trung tâm bách hóa.
Tuy nhiên, theo Savills thị trường mặt bằng bán lẻ đến năm 2021 vẫn nhiều điểm sáng với 20 dự án, tương đương khoảng 195.000 m2 sẽ gia nhập, 39% trong số đó nằm ở phía Tây và 32% nằm ở khu vực Nội thành, trong đó có nhiều dự án đáng chú ý bao gồm Vincom Mega Mall Smart City, Vincom Mega Mall Ocean Park và Hinode City. Với nguồn cung ngày càng mở rộng ra ngoài trung tâm, giá thuê trung bình thị trường dự kiến sẽ giảm.