Giảm giá bán, khó cho thuê: "Đất vàng" nhiều nơi bớt "sang chảnh" vì đâu?
(Dân trí) - Kinh tế gặp khó, “đất vàng" nhiều nơi ngậm ngùi hạ giá; Khách sạn "hạng sang" ở Đà Nẵng lỗ hàng trăm tỷ đồng vì Covid-19... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Kinh tế gặp khó, “đất vàng" nhiều nơi ngậm ngùi hạ giá
Một chủ nhà có mặt bằng cho thuê ngay mặt đường Kim Mã đã rao cả tháng này chưa có người thuê. Một chủ nhà khác phố Giảng Võ rao bán nhưng chật vật chưa tìm được khách mua.
Nhiều nhà mặt phố vị trí đắc địa khác ở Hà Nội cũng treo biển cho thuê. Rất nhiều trong số đó cho biết việc tìm được khách thuê, đặc biệt với những mặt bằng rộng là không hề dễ.
Tất cả nhanh chóng thay đổi sau làn sóng Covid-19. Trước đó, ở những vị trí “đất vàng" này, việc tìm mua, thuê không hề dễ dàng. Thậm chí nhiều vị trí, có tiền chưa chắc mua được. Trong khi đó hiện nay, chủ nhà muốn cho thuê, muốn bán nhanh chóng thì cần phải có mức giá “nhẹ nhàng" hơn.
Chính sự khó khăn về kinh tế đã và đang “thấm dần" vào bất động sản. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, giá cho thuê nhà riêng, nhà mặt phố tiếp tục giảm.
"Đất vàng" mặt phố Hà Nội, TP.HCM: Nơi nào tăng, nơi nào giảm?
Về mức giá rao bán, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết, phân khúc nhà mặt phố bán ghi nhận xu hướng tăng giảm giá không đồng nhất tại các khu vực.
Cụ thể, tại Hà Nội, xu hướng tăng giá rao bán được ghi nhận ở hầu hết các quận tiêu biểu như quận Cầu Giấy (tăng 3%), quận Hai Bà Trưng (tăng 2%), quận Hà Đông (tăng 2%) và quận Thanh Xuân (tăng 1%). Trong khi đó, quận Đống Đa lại giảm (giảm 1%).
Còn đối với thị trường TP.HCM, giá rao bán cũng tăng tại một số quận như quận Gò Vấp (tăng 2%), quận Bình Thạnh (tăng 2%). Trong khi đó, chỉ số này lại giảm nhẹ tại các quận: Tân Phú và quận 1.
Cùng chung xu hướng với thị trường nhà mặt phố bán, thị trường nhà riêng cũng có giá rao bán tăng giảm không đồng đều tại các khu vực.
Khách sạn "hạng sang" ở Đà Nẵng lỗ hàng trăm tỷ đồng vì Covid-19
Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (mã CK: BDP) với vốn điều lệ 250 tỷ đồng là chủ sở hữu, vận hành khách sạn có quy mô rất lớn tại Đà Nẵng - Sheraton Grand Danang Resort.
Trong báo cáo tài chính (BCTC) quý 2/2020 vừa được công bố, kết quả kinh doanh của BDP tiếp tục sa sút khi doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và báo lỗ gần 81 tỷ đồng. Cụ thể: Doanh thu thuần trong kỳ này của BDP chỉ đạt có 2,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn đạt 106 tỷ đồng, giảm tới 98%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, công ty đạt gần 55 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 70% so với cùng kỳ và lỗ ròng gần 149 tỷ đồng. Cùng thời điểm này năm ngoái, số lỗ mà BDP phải gánh là 78 tỷ đồng.
Vay 500 triệu cố mua nhà đất, hối hận vì còng lưng trả nợ
Do nhà bố mẹ chồng chị Thu ở Ba La, Hà Đông nên trong suy nghĩ của vợ chồng chị lúc ấy chỉ muốn mua cách nhà chồng khoảng 3-5km. Cả hai không tính đến chuyện mua chung cư vì nghĩ chung cư mất giá, với lại ở trên tầng cao hệt như thuê nhà dài hạn chứ không phải nhà mình.
“Sau nhiều ngày tham khảo, suy tính, vợ chồng mình quyết định mua căn nhà 52m2 ở trong ngõ sâu tại Phú Lương, Hà Đông với giá 1,2 tỷ đồng. Đây là căn nhà 3 tầng cũ, mỗi tầng 2 phòng ngủ khá rộng rãi. Mặt tiền ngôi nhà là 3,2 m2. Tuy nhiên, ngõ chỉ rộng 2m nên ô tô không vào được, phải đi bộ một đoạn dài mới ra đến quốc lộ 21B”, chị Thủy kể.
Để có đủ số tiền 1,2 tỷ mua nhà, vợ chồng chị Thủy phải vay thêm ngân hàng 500 triệu. “Vợ chồng mình vay ngân hàng 500 triệu lãi suất dao động từ 8-10%/năm nên mỗi tháng phải còng lưng trả nợ cả gốc và lãi khoảng 9,1 triệu đồng”, chị Thu kể. Hiện đã qua 1 năm trả nợ ngân hàng, chi tiêu trong gia đình không đến nỗi tằn tiện nhưng chị Thủy vẫn thấy mệt mỏi vì đã quyết định mua nhà mặt đất thay vì mua chung cư giá rẻ.