Mạnh tay thu hồi dự án hoang hóa, dân choáng váng vì bỗng ôm nợ cả tỷ đồng tiền đất

(Dân trí) - Kiên quyết thu hồi dự án bất động sản để hoang, chậm triển khai; Hà Nội thu hồi 8.000 m2 "đất vàng" đã giao cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; cử tri Đà Nẵng cầu cứu về việc TP áp dụng giá đất mới khiến người dân không biết lấy đâu tiền trả nợ… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Mạnh tay thu hồi dự án hoang hóa, dân choáng váng vì bỗng ôm nợ cả tỷ  đồng tiền đất - 1
Từ 11/2/2019, TP Đà Nẵng áp giá đất mới tăng 500%-600% so với giá nợ gốc tiền sử dụng đất. Ảnh: Lê Phi

Hà Nội thu hồi 8.000 m2 "đất vàng" đã giao cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số công dân liên quan đến thu hồi đất, giao đất để thực hiện Dự án đầu tư Trung tâm giới thiệu sản phầm ngành nghề truyền thống và dịch vụ kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Theo đó, UBND TP Hà Nội cho biết, UBND thành phố đã mời lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đến họp, trao đổi, phối hợp thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

"Đến nay, cơ quan này đã thống nhất ranh giới khu đất thu hồi. Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã thuê đơn vị có tư cách pháp nhân do đạc khu đất, diện tích khu đất khoảng 8.000m2, ranh giới thu hồi từ đường Dương Đình Nghệ đến tường phía Đông của tòa nhà 6 tầng đến hết khu đất. Trên khu đất đã xây dựng tòa nhà 6 tầng với diện tích 2.329 m2", báo cáo nêu.

Thủ tướng: Kiên quyết thu hồi dự án bất động sản để hoang, chậm triển khai

Đây là một trong những nội dung tại Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Mạnh tay thu hồi dự án hoang hóa, dân choáng váng vì bỗng ôm nợ cả tỷ  đồng tiền đất - 2
Dự án hơn 2.000ha hoang hóa tại Mê Linh, Hà Nội vừa bị Chính phủ yêu cầu kiểm tra và xử lý toàn diện (Ảnh: Trần Thanh)

Đánh giá về thị trường bất động sản Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương, từ năm 2014 đến nay thị trường bất động sản đã dần hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. "Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội", Thủ tướng chỉ rõ.

Dân choáng váng vì "nợ khủng" tiền đất

Sáng 23/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng tiếp tục tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu. Vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là việc áp giá đất mới khiến nhiều người dân thành “con nợ” khủng tiền sử dụng đất (SDĐ).

Cụ thể, cử tri Nguyễn Thị Tám, ngụ phường Hòa Minh và nhiều cử tri khác cầu cứu ĐBQH về việc TP áp dụng giá đất mới khiến người dân không biết lấy đâu tiền trả nợ. Nhà bà Tám thuộc diện giải tỏa tái định cư, khi đền bù thì nhà bà chỉ nhận được 200.000 đồng/m2. Khi được nhận đất tái định cư, vì nghèo quá nên bà Tám còn nợ Nhà nước 75 triệu đồng tiền SDĐ chưa kịp trả, nay áp giá mới lên tới trên 1 tỉ đồng khiến gia đình bà choáng váng.

“Tôi xin đề nghị ĐBQH xem xét, tính theo quy đổi ra vàng như trước đây chứ dân chúng tôi lấy tiền đâu ra mà trả” - bà Tám khẩn khoản.

Bất thường "sốt đất" ở Bình Thuận: Giá thực tế chỉ bằng 50% giá... tin đồn

Dù dự án mới chỉ đổ đất san lấp và thực hiện một số hạng mục liên quan, mặt bằng dự án vẫn còn hàng chục trại phơi mực của người dân nhưng đã được môi giới rao bán rầm rộ với giá 3 tỷ đồng/nền nhà phố, 5,6 tỷ đồng/nền biệt thự...

Tình trạng trên đang xảy ra tại dự án Queen Pearl Marina Complex (thuộc phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Dự án này do Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Vi Nam làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Lộc, thị xã La Gi cho biết, giá đất ở địa phương không "sốt, nóng" như một số thông tin đồn thổi. Giá đất thực tế tại địa phương chỉ bằng 50% giá... tin đồn.

Tung tin đồn đại náo giá đất Đà Nẵng: Công an vào cuộc

UBND TP Đà Nẵng mới đây đã đề nghị Công an thành phố khẩn trương xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt gây “sốt” giá đất để trục lợi.

Đồng thời, phối hợp với Sở TT&TT rà soát, công bố các dự án nào đủ điều kiện mở bán cho người dân, gửi thông tin đến các quận, huyện và các phòng công chứng, văn phòng công chứng để người dân được biết.

Đặc biệt, UBND thành phố đề nghị Công an thành phố khẩn trương xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây “sốt” giá đất để trục lợi và sớm đưa ra xét xử công khai; phối hợp với Sở TT&TT xử lý các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội.

Sốt đất Đông Anh: 10 năm vẫn chưa thoát hàng

Cách đây gần 10 năm, chị Nguyễn Thu Quỳnh (Hải Hậu, Nam Định) có một khoản tích cóp gần 1 tỷ đồng. Năm 2011, được bạn bè giới thiệu, chị ôm số tiền này đi mua đất Đông Anh để chờ thời. Lô đất gần 60m2 chị mua thời điểm đó giá 17 triệu đồng/m2.

Mạnh tay thu hồi dự án hoang hóa, dân choáng váng vì bỗng ôm nợ cả tỷ  đồng tiền đất - 3
Nhiều lô đất ở Đông Anh đang được rao bán

Khi đó, vào đầu 2011, đất Đông Anh sốt giá tăng chóng mặt lên đến 50-60% so với năm 2009. Các xã thuộc huyện Đông Anh được xem là điểm nóng của việc tăng “nóng” giá đất ở. Một số thông tin liên quan đến quy hoạch, cũng như kế hoạch xây dựng giao thông hạ tầng của khu vực này, cùng với đó là sự làm giá của giới đầu cơ đã đẩy giá đất của khu vực này lên đến vài chục triệu đồng/m2. Thậm chí, có nơi lên đến 40-50 triệu đồng/m2 vào đầu năm 2011.

Thời điểm sốt giá người ta cứ mua đi, bán lại một mảnh đất. Người đến sau chấp nhận trả giá cao hơn và hy vọng lại bán cho người khác. “Lúc đó, mua mảnh đất chỉ vài tháng sau lãi cả trăm triệu, nhưng mình vẫn chờ lên cao nên không bán thành ra giờ chết dí”, chị Quỳnh chia sẻ.

Hưởng đủ hôi thối, đi thang máy bị lườm nguýt: Bán lỗ 300 triệu đồng chuyển nhà gấp

Quyết định rao bán căn hộ ở tầng 2 tại một chung cư Linh Đàm, ông Nguyễn Văn Long vẫn thấy ấm ức. Khi dọn về ở, ông cũng như những người dân trong tòa nhà đều chấp hành đầy đủ phí dịch vụ nhưng mỗi lần vào thang máy ông lại bị soi mói với ánh mắt không thiện cảm của người cùng tòa nhà.

Trước đây, ông mua căn hộ này vì lo sợ chung cư cháy nổ nên ở tầng thấp cho an toàn, tiện đi lại. Nhưng khi ở ông mới thấy nhiều bất tiện như việc đi lại trong thang máy. “Nhiều lúc mình mệt nhưng thà đi bộ còn hơn bị hàng xóm trong tòa nhà nói tầng 2 cũng đi thang máy”, ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Long, ở tầng thấp khá ồn ào do khu vực tầng 1 kinh doanh. Chưa kể tới mùi thức ăn từ hàng quán bên dưới ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống gia đình. “Lúc nào cũng phải đóng cửa để tránh ồn, bụi bẩn và côn trùng”, ông Long cho biết thêm.

Hoang tàn chốn ăn chơi một thời của vua Bảo Đại

Khu di tích Bảo Đại hay thường được gọi Lầu Bảo Đại là nơi vị vua cuối cùng triều Nguyễn cùng hoàng hậu từng sử dụng làm nơi ở, nghỉ dưỡng khi vi hành phương Nam.

Mạnh tay thu hồi dự án hoang hóa, dân choáng váng vì bỗng ôm nợ cả tỷ  đồng tiền đất - 4
Một góc khu di tích bị băm nát

Năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đóng cửa khu di tích để triển khai dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Đơn vị quản lý dự án là Tổng công ty Khánh Việt liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Khánh Hà để triển khai dự án.
Khi giao dự án này, UBND tỉnh mong muốn nơi đây được xây dựng thành một khu nghỉ dưỡng hiện đại, thân thiện với môi trường nhưng không gây ảnh hưởng đến cảnh quan lịch sử. 

Tuy nhiên khi triển khai, dự án này đã lộ ra hàng loạt sai phạm. Cụ thể, chủ đầu tư đã xây khách sạn 5 tầng với 108 phòng; dựng lên 36 căn biệt thự cao cấp… với mật độ xây dựng dày đặc, phá vỡ kiến trúc quần thể khu du lịch Bảo Đại...

Nguyễn Khánh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm