Quay cuồng cơn sốt đất từ Đà Nẵng ra đến đại lộ Thăng Long, cảnh báo "ôm bom"
(Dân trí) - Hiện có rất nhiều dân buôn đất từ Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Nghệ An,... đổ về Đà Nẵng và Quảng Nam do nhận thấy giá đất tăng khủng khiếp. Trong khi đó, tại miền Bắc, khu vực đại lộ Thăng Long cũng nóng lên nhờ tác động không nhỏ từ siêu dự án vừa được công bố.
Náo loạn cơn sốt đất đại lộ Thăng Long
Sau cơn sốt đất đại lộ Thăng Long cách đây nhiều năm thì nay là đợt bất động sản khu vực này nóng lên nhờ tác động không nhỏ từ siêu dự án của Vingroup. Giới đầu tư dự kiến, khi dự án đi vào hoạt động sẽ kéo theo nhiều dịch vụ đi kèm, cùng với đó giá đất các khu vực lân cận cũng sẽ tăng.
Giới môi giới cho biết, hoạt động mua vào bán ra diễn ra rộn ràng, thậm chí gần 7-8h tối mà vẫn có môi giới dẫn khách khi xem đất. Nhiều người kiếm được khoản lời lớn nhờ buôn đất, bán đất sang tay.
Tuy nhiên, trên thực tế mức giá tăng chóng mặt nhưng thanh khoản lại khá thấp. Khu vực Tây Mỗ - Đại Mỗ, mức giá giao dịch này cao hơn so với thời điểm giữa năm ngoái khoảng 10%, còn ở mức tăng khủng thì cực hiếm giao dịch thành công.
Hiện tại, không ít nhà đầu cơ ôm đất kết hợp với những sàn giao dịch bất động sản và môi giới không uy tín nhằm đẩy giá đất tăng cao, tạo sóng ảo để thoát hàng, thu lợi cá nhân, đẩy những nhà đầu tư "nhẹ dạ", ít kinh nghiệm trên thị trường sập bẫy.
Đất Đà Nẵng sốt ảo, dân buôn ô tô bỏ đi buôn đất
Trong cơn sốt ảo đất Đà Nẵng, sau Tết, nhiều ông chủ kinh doanh ô tô cũ ở Hà Nội bỏ cửa hàng, lũ lượt rủ nhau ôm tiền vào Đà Nẵng, Quảng Nam tranh thủ lướt sóng bất động sản.
Cùng với đó, hiện có rất nhiều dân buôn đất từ Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Nghệ An,... đổ về Đà Nẵng và Quảng Nam do nhận thấy giá đất tăng khủng khiếp nhờ hàng loạt thông tin về quy hoạch như: xây dựng trung tâm đại học, trung tâm hành chính mới tại Điện Bàn, một số đơn vị hành chính của thị xã Điện Bàn sẽ sáp nhập về Đà Nẵng, hay xây dựng khu thương mại, trường đua ngựa tại Hòa Vang,... Cùng với đó là đội ngũ “cò mồi” ngày đêm sục sạo khắp trong làng, ngoài ruộng tìm mua đất, khiến cho giá tăng cao gấp từ 3-5 lần so với thời điểm cuối năm 2018.
Trên thực tế, thị trường bất động sản tại một số địa phương thuộc Đà Nẵng và Quảng Nam đang trong thời kỳ “hỗn loạn”. Việc tung tin quy hoạch, giả mạo chữ ký lãnh đạo, công văn để "lừa" các nhà đầu tư đã từng diễn ra. Các cơ quan chức năng tại đây đã phải ra văn bản cảnh báo về các thông tin sai lệch, đồn thổi. Điều đáng lo ngại là dù đã được cảnh báo, người dân vẫn lao vào ôm đất do ham lãi khủng. Đặc biệt với các nhà đầu tư lướt sóng, họ chấp nhận phần may rủi 50-50, để có thể kiếm nhiều tiền trong một vài tháng.
Thị trường căn hộ ảm đạm, lái buôn lỗ hàng trăm triệu đồng
Trong khi đất nền ở các địa phương khiến nhà đầu tư quay cuồng thì ngược lại, thời gian gần đây, những tranh chấp liên quan đến sổ đỏ, diện tích chung riêng, phí dịch vụ... liên tục bủa vây người ở chung cư góp phần khiến thị trường căn hộ trở nên ảm đạm.
Từ năm ngoái đến năm nay tình trạng mua nhà bắt đầu giảm dần. Thị trường đã bắt đầu bão hòa dù các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Tại Hà Nội, để vào nội đô thì giá quá cao, nhiều người không thích sự đông đúc quá mức nên đang có xu hướng mua nhà ở các khu vực lân cận như Hà Đông. Tuy nhiên, tỉ lệ sốt, nóng theo các thời điểm và khu vực là không có. Trên thực tế, nhu cầu của người dân vẫn nhiều nhưng không phải ai cũng mua được.
Nhận định về thị trường, ông Nguyễn Văn Đính (Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) cho hay, thị trường từ những tháng cuối năm 2018 không có nhiều tín hiệu khả quan, đặc biệt ở phân khúc căn hộ. Ông dự báo, thị trường có thể tương đối khó khăn, do tình hình cung cầu, tín dụng bất động sản bị siết lại.
Thanh tra Hà Nội ra kết luận về vụ nhà ca sỹ mỹ Linh
Kết luận của Thanh tra Hà Nội công bố tuần qua chỉ ra một số ví dụ điển hình về vi phạm trật tự xây dựng trong quy hoạch, trong đó có trường hợp của gia đình ông Trương Anh Quân, chồng của ca sĩ Mỹ Linh.
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, năm 2001, ông Quân mua lại đất của gia đình ông Đỗ Xuân Lâm đã được cấp sổ đỏ diện tích 600 m2 đất ở từ năm 1997, trước khi có quy hoạch rừng năm 1998.
Đến năm 2009, gia đình ông Quân xây dựng 4 công trình và hạng mục phụ trợ khác. Năm 2014, UBND huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn mới làm thủ tục hiệu chỉnh sổ đỏ.
"Đến năm 2015, Văn phòng đăng ký nhà và đất huyện lại làm thủ tục sang tên và cấp đổi sổ đỏ cho hộ ông Quân thuộc quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn", Thanh tra Hà Nội cho biết.
Về hướng xử lý hàng loạt sai phạm đất đai tại Sóc Sơn, Thanh tra TP đề nghị tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu.
Thanh tra TP Hà Nội cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở ngành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan tới vi phạm.
Đặc biệt, Thanh tra TP Hà Nội đề nghị cho phép Thanh tra TP chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra CATP Hà Nội đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2008 để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cò quay siết tiền khách mua nhà ở xã hội
Dù các hoạt động mua, bán nhà ở xã hội ngoài luồng là trái luật và tiềm ẩn không ít rủi ro cho người mua, nhưng các giao dịch ngầm tại phân khúc này vẫn rất sôi động. Tại dự án EcoHome 3 do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô làm chủ đầu tư, ngay sau khi có thông tin tiếp nhận hồ sơ, đội ngũ tư vấn đã rầm rộ rao bán trên mạng xã hội.
Theo thông báo của chủ đầu tư, thời gian tiếp nhận hồ sơ mua NOXH NO2, NO3 đợt 1 dự kiến từ 21/3/ đến hết ngày 21/4. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng qua, đội ngũ cò môi giới BĐS đã “tung hoành” lôi kéo nhiều người đến nghe họ tư vấn miễn phí làm hồ sơ, nhưng thực chất là “gợi ý” người dân đưa tiền với cam kết chắc chắn sẽ mua được nhà theo yêu cầu của khách.
Còn tại dự án 282 Nguyễn Huy Tưởng, số tiền chênh lệch khách hàng phải trả thậm chí còn lên tới trên 500 triệu đồng. Khi dự án mới công bố danh sách người đủ điều kiện được mua, nhiều môi giới đã đăng rao bán rầm rộ.
Với các vụ mua bán này, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, cho biết: “Nếu xảy ra tranh chấp hoặc quá trình sử dụng nhà có vấn đề gì thì người mua hoàn toàn gánh chịu rủi ro, nếu có kiện người bán hoặc cơ quan liên quan thì không có cơ sở pháp lý, pháp luật nên không thể bảo vệ, đảm bảo được quyền lợi của người mua nhà”.
Phương Dung