Môi giới núp bóng nhà đầu tư thổi giá, giá đất tại nhiều quận huyện "nhảy múa"
(Dân trí) - Tại nhiều dự án, các môi giới kiêm nhà đầu tư không thiếu chiêu trò đẩy giá. Ngay tại Hà Nội, lợi dụng thông tin và đề xuất 4 huyện sẽ lên quận vào năm 2020, giới đầu cơ bất động sản cùng môi giới đã tạo nên cơn sốt ảo, đẩy giá đất lên cao gấp đôi so với hồi đầu năm 2018.
Môi giới núp bóng nhà đầu tư thổi giá
Khi một siêu dự án ở phía Đông được công bố, với lợi thế là người trực tiếp bán hàng, một số môi giới đã nhanh chóng đặt cọc các căn hộ siêu nhỏ. Khi chủ đầu tư mở bán chính thức, những môi giới này xuống tiền và bán lại cho các nhà đầu tư, người có nhu cầu mua ở thực với giá chênh từ 20-80 triệu đồng/căn.
Ở phân khúc đất nền, các môi giới kiêm nhà đầu tư cũng không thiếu chiêu trò đẩy giá. Thậm chí nhiều môi giới còn liên kết với nhau tạo kịch bản thị trường nóng sốt nhằm đẩy giá và thúc giục khách xuống tiền nhanh. Đưa khách xuống dự án, môi giới còn dàn cảnh để các môi giới khác cũng đưa khách thăm dự án (mà thực chất đều là người quen). Những khách hàng “đóng vai” đều tỏ ra sốt sắng, sẵn sàng trả cao hơn từ 1 đến 2 giá.
Trên thực tế, việc môi giới kiêm nhà đầu tư là chuyện bình thường và tất yếu của thị trường. Tuy nhiên, việc một cá nhân vừa đồng thời là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng, hoặc có liên quan đến lợi ích hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản sẽ không đảm bảo tính công khai, minh bạch, sự trung thực và tuân thủ pháp luật của cá nhân và giao dịch đó.
Điểm nóng Cần Giờ tạm “nghỉ đông”?
Khu vực huyện đảo Cần Giờ đã được nhà đầu tư xuống tiền mua vào và “cắm cọc” trong “cơn sóng” đón chờ đầu tư hạ tầng đô thị mới từ thời gian trước. Theo môi giới, tại Cần Giờ, giờ kiếm được mảnh “đất ngon”, gần đường chưa nói tới gần phà Bình Khánh hay gần nơi đón được gió biển với giá dưới 20 triệu đồng/m2, là bất khả thi.
Không chỉ Cần Giờ, nhiều khu vực, đặc biệt các vùng phía Đông và Nam, nơi đã có những cơn sốt phân khúc đất nền những tháng đầu năm 2018, có dấu hiệu im ắng “một cách đặc biệt”.
Điều này không được cho là lạ mà đã nằm trong dự báo từ trước của các chủ đầu tư và các nhà tư vấn quản lý thị trường, khi giá đất đã liên tục tăng cao, có những khu vực đến mức ngất ngưỡng và thị trường cần “dừng nhịp” để lấy sức phục hồi.
Hết thời chụp giật ở Khánh Hoà
Cùng với các đợt thanh tra quyết liệt, bất động sản Khánh Hòa giảm hẳn sự sôi động từ nửa cuối năm 2018.
Chủ tịch hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, ông Trần Đình Quý, cũng cho rằng, thị trường hạ nhiệt từ năm 2018 vì năm 2017 đã phát triển quá nóng. Chính quyền thấy được sự phát triển nóng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nên siết chặt từ chủ đầu tư đến môi giới. Theo đó, hiện muốn mua bán phải có đầy đủ pháp lý, dẫn đến thị trường tốt theo hướng chuyên nghiệp.
Cũng theo người đứng đầu hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, Khánh Hòa giờ đã qua thời kỳ sống chung với đất ảo, hướng tới là một thị trường bất động sản ổn định bền vững, ăn chắc mặc bền. Đây là thời điểm người mua được quyền chọn lựa, so kè giá, so kè chất lượng, quyền lợi người mua…
Dân Đông Anh găm đất, cò vẽ quy hoạch
Là một trong 4 huyện ngoại thành Hà Nội sẽ được nâng cấp lên quận vào năm 2020, đất tại nhiều xã ở Đông Anh đang được hét giá rất cao, thậm chí giá đất ở các xã như Đông Hội, Xuân Canh, Xuân Trạch, Tàm Xá, Vĩnh Ngọc... ngang bằng với các quận nội thành.
Tuy nhiên, giá đất tại Đông Anh có sự phân hóa mạnh giữa các xã với nhau, giá đất tại trung tâm huyện Đông Anh so với giá mặt bằng chung tại các xã như Vĩnh Ngọc, Xuân Canh hay Đông Hội vẫn thấp hơn. Các xã nằm trên các tuyến đường Võ Nguyên Giáp như Nguyên Khê, Vân Nội cũng đang có mức giá tăng dần do nằm gần hai đại dự án 4 tỷ USD của BRG và Công viên Kim Quy của Tập đoàn SunGroup.
Mặc dù giá bán đã nhích tăng và được xem là cao so với mặt bằng giá tại huyện này từ 1 - 2 năm trước đây. Tuy nhiên, do hiệu ứng của các đại dự án, thông tin sắp được lên quận nên nhà đầu tư, dân Đông Anh vẫn găm đất, chờ lên giá sắp tới.
Tuy nhiên, thực tế ở Đông Anh các đại dự án trên vẫn chỉ trong quá trình rào tường bao, chưa có dự án nào thực sự được triển khai. Kế hoạch của hàng loạt các đại dự án đều được triển khai các năm 2017, 2018 song hầu hết thông tin dự án mới chỉ ở những bãi đất trống.
Giá đất tại 4 huyện “nhảy múa”
Cùng với Đông Anh, mới đây Hà Nội cũng xin cơ chế đặc thù đưa các huyện gồm: Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 đã khiến giá đất tại 4 huyện này bất ngờ tăng chóng mặt. Thậm chí, nhiều vị trí đất nền tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2018.
Thực tế cho thấy, lợi dụng thông tin và đề xuất 4 huyện sẽ lên quận vào năm 2020, giới đầu cơ bất động sản cùng môi giới đã tạo nên cơn sốt ảo, đẩy giá đất lên cao gấp đôi so với hồi đầu năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện tượng giá đất tăng đột biến tại 4 huyện là bất hợp lý bởi bất động sản chỉ tăng theo tỷ lệ thuận với thực tế đầu tư. Trong đó, việc đầu tư ở đây là đầu tư đồng bộ, đầu tư vào hạ tầng, kỹ thuật, đường xá; đầu tư vào hệ thống xã hội như: Trường học, bệnh viện, thương mại; đầu tư vào hệ thống hạ tầng dịch vụ, cung cấp một cách tốt nhất cho cuộc sống người dân.
Sẽ thanh tra đất tại hàng loạt DNNN
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TN-MT) diễn ra chiều 27/3, ông Lê Vũ Tuấn Anh - Phó chánh Thanh tra Bộ TN-MT, cho biết theo kế hoạch thanh tra được Bộ trưởng Trần Hồng Hà phê duyệt, năm 2019 sẽ thực hiện kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra).
Trong kế hoạch thanh tra năm 2019 còn kiểm tra việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương theo quy định của luật Đất đai năm 2013, trọng tâm là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn 5 tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Bạc Liêu, Kiên Giang và TP.HCM.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường và tài nguyên nước với các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, các tổ chức sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường tại bốn tỉnh gồm: Bắc Ninh, Cà Mau, Gia Lai và Kon Tum.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý Đất đai của Bộ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án FDI và các dự án khác sử dụng nhiều diện tích đất, mặt nước ven biển nhưng chậm triển khai, hoạt động kém hiệu quả trên địa bàn hai tỉnh gồm: Khánh Hòa và Bình Thuận.
Phương Dung