Hà Nội nhan nhản dự án “ôm” đất vàng rồi bỏ hoang: Yêu cầu kiểm tra, xử lý

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" gây lãng phí tài nguyên đất.

Hà Nội nhan nhản dự án “ôm” đất vàng rồi bỏ hoang: Yêu cầu kiểm tra, xử lý - 1
“Đất vàng” siêu đắt đỏ, doanh nghiệp “ôm” vào rồi quây tôn bỏ không.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất.

Theo phản ánh, hiện có tới hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất...

Mặc dù không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại trong việc dự án bỏ hoang lại là điệp khúc chưa có hồi kết...

Trong tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới lãnh đạo Hà Nội trước và sau kỳ họp thứ 7 HĐND TP khoá XV, rất nhiều bức xúc liên quan tới các dự án chậm triển khai được phản ánh.

Các dự án “treo” nhan nhản khắp từ các quận, huyện ngoại thành Hà Nội cho đến các khu vực quận nội đô - nơi đất đai được ví như “vàng”.

Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ cũng “muôn hình, muôn vẻ” như chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…

Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít.

Trong văn bản hồi đáp ý kiến cử tri, UBND Thành phố Hà Nội cho biết trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn thành phố, đến nay đã chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án.

Như vậy, còn tới hơn 300 dự án “treo” rải khắp Thủ đô khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, lãng phí tài nguyên đất…

Một số chuyên gia cho rằng, việc xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Thay vì thu hồi đất thì “tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư”.

Theo cách này, ngân sách nhà nước vừa được lợi rất lớn trong khi đó, nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai.