1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

BĐS tuần qua:

Lộ loạt vi phạm tại tuyến đường 2 km "nhồi" 40 cao ốc ở Hà Nội

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - "Sốt đất" hạ nhiệt, nhà đầu tư bỏ cọc tiền tỷ "tháo chạy"; Thanh tra đường "nhồi" cao ốc Lê Văn Lương - Tố Hữu, lộ đầy rẫy vi phạm... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Thanh tra đường "nhồi" cao ốc Lê Văn Lương - Tố Hữu, lộ đầy rẫy vi phạm

Theo nguồn tin của Dân trí, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Đây là tuyến đường rất "nóng" ở Hà Nội thời gian qua vì mật độ cao ốc dày đặc và tắc nghẽn. Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã đặt ra vấn đề về việc "xé nát" quy hoạch đô thị ở tuyến đường huyết mạch cho trục phía Tây Nam Hà Nội này.

Với kết luận vừa được ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Về quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, chấp thuận, điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án thiết kế, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án đã vi phạm khi chỉ tiêu quy hoạch tại đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án đã phê duyệt trước, đồ án có tỷ lệ nhỏ hơn không phù hợp với đồ án tỷ lệ lớn hơn mà không thuyết minh về sự sai khác, không tính toán sự đáp ứng về kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

 Lộ loạt vi phạm tại tuyến đường 2 km nhồi 40 cao ốc ở Hà Nội - 1

Chung cư mọc dày đặc tại khu vực trung tâm quận Thanh Xuân đang làm gia tăng mật độ dân số và chất lượng không khí ngày càng trở nên đáng báo động (Ảnh: Hà Phong).

Bộ trưởng Xây dựng: Cần cho dự án bất động sản tốt vay để thêm nguồn cung

Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chiều nay (8/6), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có hơn 10 phút để báo cáo trước Quốc hội về tình hình phát triển thị trường bất động sản thời gian qua.

Đưa ra một loạt những tồn tại hạn chế của thị trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đã đề xuất một loạt giải pháp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tăng cường quản lý thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, phân khúc thu nhập thấp.

 Lộ loạt vi phạm tại tuyến đường 2 km nhồi 40 cao ốc ở Hà Nội - 2

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất nhiều giải pháp để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh (Ảnh: Quốc hội).

Tiếp đó là theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp ổn định lành mạnh thị trường khi cần thiết, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư đất đai, quy hoạch xây dựng thúc đẩy nguồn cung.

Ủng hộ kiểm soát cơ cấu lại tín dụng bất động sản, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro song ông Nghị cho rằng cần tạo điều kiện cho vay với các doanh nghiệp có năng lực, có dự án tốt, đầy đủ pháp lý, hiệu quả, ưu tiên, đáp ứng đẩy đủ các điều kiện. Đặc biệt ưu tiên cho các dự án thương mại nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cấp phép.

"Sốt đất" hạ nhiệt, nhà đầu tư bỏ cọc tiền tỷ "tháo chạy"

Gần đây, thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng sau thời gian dài "nóng sốt" cục bộ ở nhiều địa phương. Nhiều khu vực làng quê có giá đất tăng phi mã khiến nhiều người lao vào kinh doanh bất động sản và làm môi giới, cò đất.

Tháng 11/2021, anh Nguyễn Đức Khánh (Hoàng Mai, Hà Nội) chi hơn 4 tỷ đồng để mua 2 lô đất ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) nhằm đầu tư. Thời điểm mua vào, giá đất tại khu vực này đang tăng cao, nhiều nhà đầu tư ồ ạt kéo về đây để "lướt sóng".

Tuy nhiên, khoảng 2 tháng sau, thị trường bất động sản khu vực này trầm lắng, giá đất tại khu vực này bất ngờ chững lại, thậm chí còn giảm đi một phần so với thời điểm mua vào.

Cũng từ cuối tháng 3 năm nay, anh Khánh "đứng ngồi không yên" vì bán mãi không được, kể cả bán thu hồi vốn cũng khó tìm được khách mua.

"Số tiền hơn 4 tỷ đồng trên tôi vay ngân hàng và người thân. Giờ gồng không nổi lãi suất nữa nên tôi quyết định bán thu hồi vốn, nhưng rao bán mãi cũng chưa thấy người mua", anh Khánh nói.

Lo ngại "thổi giá" từ việc doanh nghiệp bán nhà kiểu trả giá cạnh tranh

Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tổ chức mở bán thành công đợt 1 gồm 202 lô biệt thự, nhà vườn, liền kề xây thô hoàn thiện mặt ngoài hình thành trong tương lai gắn liền với quyền sử dụng đất ở đã có hạ tầng dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 tại Mê Linh (dự án HUD Mê Linh).

Đáng chú ý, 202 căn nhà thấp tầng này được mở bán theo hình thức trả giá cạnh tranh và đạt được tỷ lệ trả giá thành công tới 98% (198 căn). Đa số sản phẩm đưa ra kinh doanh đều thu được kết quả trả giá chênh vài trăm triệu đồng so với giá khởi điểm, cá biệt có nhiều căn chênh vài tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư đánh giá, mức giá mua từ chủ đầu tư đã vượt qua mức giá trong khu vực đang rao bán ở nhiều dự án khu vực. Và nếu tất cả lô bán sang tay chủ mới thành công, rất có thể giá đất tại Mê Linh sẽ thiết lập mặt bằng mới.

Hiện nay, nhiều môi giới, nhà đầu tư đã rao bán những căn nhà trúng giá với mức giá chênh từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng thông qua "Giấy xác nhận trúng giá". Đơn cử, một căn nhà ở dãy 07B dự án khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 tại Mê Linh đang được rao bán với giá 6,2 tỷ đồng, chênh gần 200 triệu đồng so với giá trúng 5,17 tỷ đồng.

Hàng trăm khách hàng tố bị "mắc cạn" tại dự án chủ đầu tư bán "chui"

Phản ánh tới Dân trí, nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án Tòa nhà hỗn hợp Athena Complex Pháp Vân (viết tắt dự án Athena Complex Pháp Vân) tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) tố liên danh chủ đầu tư là Công ty cổ phần công nghiệp Hàn Việt Nam và Công ty TNHH Phát triển Đô thị và Xây dựng 379 (Công ty 379) chậm bàn giao căn hộ, vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản.

 Lộ loạt vi phạm tại tuyến đường 2 km nhồi 40 cao ốc ở Hà Nội - 3

Nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án Athena Complex Pháp Vân "đội mưa" căng băng rôn phản đối chủ tư chậm bàn giao nhà (Ảnh: Trần Kháng).

Theo anh T.V.S. - đại diện khách hàng mua căn hộ dự án Athena Complex Pháp Vân, từ tháng 10/2018, gần 400 khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư với Công ty 379. Thời hạn bàn giao nhà theo hợp đồng đã ký là quý IV/2020. Tuy nhiên, đến nay, dự án đã chậm tiến độ gần 1,5 năm nhưng chủ đầu tư liên tục trì hoãn bàn giao nhà.

Cũng theo anh S., dự án chậm tiến độ đang ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống người mua nhà. Theo đó, nhiều khách hàng phải "gánh" phát sinh các chi phí thuê nhà, chi phí trả lãi vay ngân hàng, học hành của con cái và các quyền lợi khác liên quan đến nơi cư trú.

Báo cáo về tình hình phức tạp tại dự án Athena Complex Pháp Vân, ông Nguyễn Hải Tú - Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) - cho biết, từ năm 2021 đến nay, một số khách hàng mua nhà tại dự án có đơn phản ánh về việc chủ đầu tư chậm bàn giao nhà, vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản.