Lo ngại "thổi giá" từ việc doanh nghiệp bán nhà kiểu trả giá cạnh tranh
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia đánh giá, việc doanh nghiệp bán nhà bằng hình thức trả giá cạnh tranh thể hiện sự minh bạch nhưng bên cạnh đó, khó kiểm soát được hành vi "thổi giá".
Ồ ạt rao bán chênh sau trúng giá
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tổ chức mở bán thành công đợt 1 gồm 202 lô biệt thự, nhà vườn, liền kề xây thô hoàn thiện mặt ngoài hình thành trong tương lai gắn liền với quyền sử dụng đất ở đã có hạ tầng dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 tại Mê Linh (dự án HUD Mê Linh).
Đáng chú ý, 202 căn nhà thấp tầng này được mở bán theo hình thức trả giá cạnh tranh và đạt được tỷ lệ trả giá thành công tới 98% (198 căn). Đa số sản phẩm đưa ra kinh doanh đều thu được kết quả trả giá chênh vài trăm triệu đồng so với giá khởi điểm, cá biệt có nhiều căn chênh vài tỷ đồng.
Đơn cử, một căn biệt thự đơn lập có diện tích 410 m2 ở vị trí lô góc, giá khởi điểm 18,9 tỷ đồng, giá mua khoảng 23,17 tỷ đồng, chênh gần 4,3 tỷ đồng, tương đương 56,5 triệu đồng/m2. Tương tự, 2 căn biệt thự đơn lập khác có cùng diện tích 362 m2 nằm ở vị trí lô góc, giá khởi điểm khoảng 18,2 tỷ đồng, giá mua 21,1 tỷ đồng, chênh 2,9 tỷ đồng, tương đương 58,3 triệu đồng/m2.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá, mức giá mua từ chủ đầu tư đã vượt qua mức giá trong khu vực đang rao bán ở nhiều dự án khu vực. Và nếu tất cả lô bán sang tay chủ mới thành công, rất có thể giá đất tại Mê Linh sẽ thiết lập mặt bằng mới.
Hiện nay, nhiều môi giới, nhà đầu tư đã rao bán những căn nhà trúng giá với mức giá chênh từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng thông qua "Giấy xác nhận trúng giá". Đơn cử, một căn nhà ở dãy 07B dự án khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 tại Mê Linh đang được rao bán với giá 6,2 tỷ đồng, chênh gần 200 triệu đồng so với giá trúng 5,17 tỷ đồng.
Khó kiểm soát được "thổi giá"
Đánh giá về việc doanh nghiệp áp dụng hình thức trả giá cạnh tranh vào bán hàng tại dự án khu đô thị, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu làm được công khai, minh bạch, nhiều người tham gia một cách rộng rãi và tự nguyện sẽ là một cách làm rất tốt. Tuy nhiên, nếu thiếu chặt chẽ sẽ rất dễ gây ra tình trạng "thổi giá".
Theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Thế Điệp, giữa tài sản công và tài sản tư nhân đưa ra đấu giá có nhiều điểm khác nhau. Bởi tài sản công được định giá bài bản với quy trình chặt chẽ, ràng buộc chính xác bởi các quy định của pháp luật. Còn đối với tài sản tư nhân, việc thẩm định giá có thể căn cứ theo yếu tố chủ quan, không theo quy định chung.
"Trả giá cạnh tranh là cách làm tốt nếu công khai, minh bạch. Nhưng nó cũng tồn tại vấn đề khi có sự tham gia của "quân xanh, quân đỏ" để "thổi giá", xác lập mặt bằng giá mới ở khu vực này. Có tồn tại trên hay không thì cơ quan chức năng chuyên môn và chính nhà đầu tư cần tỉnh táo tham chiếu", ông Điệp nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng việc bán hàng theo hình thức trả giá cạnh tranh là việc rất văn minh, tiệm cận với nhu cầu được đo chính xác nhất. Tài sản này không phải của Nhà nước mà là của doanh nghiệp, do đó họ muốn hướng đến việc công khai minh bạch, không có giá chênh.
Tuy nhiên, ông Đính cũng lo ngại, không loại trừ chính nội bộ, hoặc thành viên kinh doanh của doanh nghiệp lại tham gia vào buổi trả giá cạnh tranh này để tạo ra mặt bằng giá mới. Do đó, nhà đầu tư cần có những tham chiếu kỹ trước khi tham gia trả giá, tránh đưa ra mức giá cao hơn giá trị thực.
Nhìn nhận về thị trường bất động sản Mê Linh, ông Đính cho rằng, mức giá 50-60 triệu đồng/m2 chưa phản ánh đúng bản chất, bởi khu vực này hạ tầng đang sơ sài, yếu. "Cá nhân tôi sợ rằng, "cuộc chơi" này đang ảo và nếu có thật đi nữa thì nhà đầu tư đang có vấn đề về cách nhìn, cách đánh giá", ông Đính nói.
Cũng theo chuyên gia này, giá bất động sản "ảo" tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, cho thị trường. Đặc biệt, nó còn gây rất nhiều khó khăn cho chính sách phát triển nhà ở của chính quyền.
Ngoài ra, ông Đính cũng cho rằng, trong các quy định của pháp luật, nếu phát hiện có dấu hiệu lừa dối khách hàng, tạo ra sự lũng đoạn thị trường thì xem xét xử lý. "Nếu làm thị trường ảo, giá bị đẩy lên thì có thể đưa vào hành vi thao túng thị trường hay không?", ông Đính nêu quan điểm.