Lãi suất hạ, Novaland và loạt đại gia bất động sản bớt phần "còng lưng"
(Dân trí) - Hồi quý I, Novaland "còng lưng" trả tiền lãi vay. Sang đến quý II, doanh nghiệp có thể thở phào khi khoản tiền này chỉ còn 51% doanh thu thuần.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết sau 4 lần giảm liên tiếp lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân phát sinh mới ngoài thị trường đã giảm 1%/năm so với cuối năm 2022.
Lãi suất hạ đã giúp giảm bớt áp lực tài chính đối với không ít doanh nghiệp bất động sản. Gánh nặng trả lãi vay của các đơn vị này đã nhẹ hơn so với quý I/2023. Điều được thể hiện qua biến động chi phí lãi vay đã trả các doanh nghiệp trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong quý II vừa qua.
Áp lực đã giảm
Trong quý II, Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) chi ra 3.112 tỷ đồng để trả lãi vay, lớn nhất trong số các doanh nghiệp bất động sản. Con số này tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên nếu so sánh với mức tăng của quý I lên tới 84%, có thể thấy áp lực trả lãi vay đã giảm đi nhiều.
Hồi quý I, Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán: NVL) dành tới 1.509 tỷ đồng tiền chi trả lãi vay, thì sang quý II chỉ còn khoảng 534 tỷ đồng. So sánh với quý II năm ngoái khoản mục này cũng giảm tới 65%.
Để dễ hình dung hơn, hãy thử chia tiền lãi này theo ngày. Trung bình mỗi ngày trong quý II/2022, Vingroup phải trả 33 tỷ đồng. Quý II vừa qua tập đoàn trả khoảng 34,2 tỷ đồng mỗi ngày.
Với Novaland, mỗi ngày trong quý vừa qua chỉ phải chi 5,9 tỷ đồng lãi vay. Trong khi quý I lên tới 16,6 tỷ đồng lãi vay, còn quý II năm ngoái là 16,7 tỷ đồng.
Tương tự các ông lớn trên, trong quý II vừa qua Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán: VPI) chỉ còn phải trả khoảng 67 tỷ đồng tiền lãi vay, giảm tới 63% so với mức 239 tỷ đồng hồi quý I. Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) cũng giảm 51% tiền trả lãi vay trong quý vừa qua.
Tín hiệu lạc quan khác
Nếu chỉ xét riêng số tiền trả lãi vay thì chưa phản ánh đủ được gánh nặng đối với doanh nghiệp. Ngoài ra việc so sánh con số này giữa các doanh nghiệp chưa đầy đủ do có sự khác nhau về quy mô.
Do đó chúng ta cần xem xét tỷ lệ khoản tiền lãi so với doanh thu thuần. Hiểu đơn giản, tỷ trọng này sẽ cho biết doanh nghiệp phải bỏ ra bao nhiêu phần để trả lãi từ tiền thu về từ bán hàng hóa dịch vụ.
Novaland là đơn vị có tỷ lệ cao nhất với mức 250% trong quý I, tăng vọt so với mức 85% của năm trước đó. Sang đến quý II, doanh thu bắt đầu cải thiện, tiền trả lãi vay giảm mạnh nên hệ số này chỉ còn ở mức 51%.
Tỷ lệ lãi vay của Vingroup vẫn duy trì quanh mức 7-8% như 2 quý trước đó.
Tương tự Novaland, một số doanh nghiệp khác có tỷ lệ trả lãi cao trong quý I như Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex - mã: BCM) là 59%, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) là 51%. Sang quý II, hệ số này cũng đã giảm về mức tương ứng 33% và 22%.
Vinhomes vẫn là doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường với chi phí trả lãi vay ở mức thấp chỉ 2% doanh thu thuần.
Cũng có trường hợp tỷ suất này tăng mạnh là Phát Đạt, lên tới gần 15 lần. Trong kỳ doanh nghiệp chỉ thu về 5 tỷ đồng doanh thu thuần, tiền lãi vay mang đi trả lại lên tới gần 75 tỷ đồng.