Kỹ thuật kiến trúc thủ công Nhật Bản trở thành di sản UNESCO
(Dân trí) - Mới đây, kỹ thuật kiến trúc truyền thống sử dụng trong các công trình bằng gỗ của Nhật Bản đã được phê duyệt và đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO.
Các kỹ thuật, kỹ năng và kiến thức truyền thống bao gồm 17 lĩnh vực thiết yếu trong sửa chữa, phục hồi, tôn tạo các đền thờ, điện thờ và nhà cổ, vốn được làm bằng gỗ.
Trong số những công trình kiến trúc này có Horyuji, ngôi chùa Phật giáo nằm ở phía Tây tỉnh Nara thuộc danh sách Di sản Thế giới. Đây là công trình kiến trúc bằng gỗ lâu đời nhất còn sót lại trên thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã ra thông cáo bày tỏ sự vui mừng về sự kiện này.
"Ngày nay, ta vẫn còn có thể chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc như chùa Horyuji và lâu đài Himeji là nhờ công tác sửa chữa, phục hồi dựa trên kỹ thuật truyền thống", ông Suga nhấn mạnh.
Trong số các kỹ thuật được Ủy ban liên chính phủ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc công nhận mới đây có kỹ thuật trát "sakan", thu hoạch vỏ cây bách Nhật Bản để lợp mái, vẽ sơn mài trên các cấu trúc truyền thống và đan chiếu tatami.
Mặc dù sử dụng vật liệu tự nhiên nhưng các kỹ thuật có tuổi đời hàng thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày này, với tác dụng nâng cao khả năng chống chịu của các công trình cổ trước động đất và bão. Người ta cũng có thể sử dụng các kỹ thuật này để khôi phục các cấu trúc bị hư hỏng trong trường hợp thiên tai như vậy.
Lâu đài Kumamoto là một ví dụ điển hình. Công trình này đã được phục hồi sau khi bị hư hại nặng nề do động đất vào năm 2016.
Kỹ thuật kiến trúc thủ công sẽ chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 22 của Nhật Bản, sau nghệ thuật biểu diễn kịch Noh và Kabuki, cũng như ẩm thực truyền thống washoku.
Tiếp theo, Tokyo hy vọng sẽ có thể đưa điệu múa dân gian "Furyu-odori" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể trong năm 2022, vì quá trình xem xét đề cử của Liên Hợp Quốc diễn ra 2 năm một lần.