Khu công nghiệp sinh thái sẽ “hút” các "đại bàng" tới làm tổ
(Dân trí) - Các tập đoàn lớn trên thế giới luôn chú trọng vào việc sản xuất theo hướng phát triển bền vững. Và các khu công nghiệp (KCN) sinh thái sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp này.
Tại Hội thảo khởi động dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, các chuyên gia nhận định, việc triển khai mô hình KCN sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội.
Bà Vương Thị Minh Hiếu, đại diện Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết, thời gian qua, các KCN truyền thống đã bộc lộ những hạn chế của mình.
Một số KCN đang hoạt động chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, chất thải nguy hại gia tăng, ô nhiễm nguồn nước - ô nhiễm không khí. Điều này dẫn tới sự đe dọa sức khỏe và đời sống của người dân quanh khu công nghiệp.
“Các KCN sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên. Doanh nghiệp trong KCN thiếu tính liên kết. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh KCN, giảm sức cạnh tranh”, bà Hiếu nói.
Theo bà Hiếu, các KCN được thí điểm làm KCN sinh thái đang cải thiện hiệu quả hoạt động của các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Cải thiện công tác quản lý và xử lý rác thải rắn bằng phương pháp tái sinh, tái sử dụng hoặc cộng sinh năng lượng dư thừa hoặc tái sử dụng rác thải.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (Unido) cho biết, việc triển khai mô hình KCN sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp tại Việt Nam.
“Dự án Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu có trị giá gần 1,822 triệu USD. Trong đó, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại là 1,683 triệu USD từ Chính phủ Thụy Sĩ. Vốn đối ứng từ Bộ KHĐT là gần 139.000 USD”, bà Thảo nói.
Theo bà Thảo, dự án sẽ được thực hiện trong 3 năm tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Đồng Nai.
Theo Bộ KHĐT, từ năm 2014 - 2019, Bộ đã cùng Unido và nhiều đơn vị khác đã triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái. Kết quả đạt được rất tích cực.
Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ thí điểm đã hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm trên 22.000 Mwh điện, 600.000m2 nước sạch, 140 Terajun nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải… Những giải pháp này cũng đã giảm được 32 tấn khí thải CO2/năm.
Đại diện tổ hợp KCN Deep C (Hải Phòng) chia sẻ, hiện nay, các tập đoàn lớn trên thế giới đều muốn đầu tư tại các KCN sinh thái, bởi đây là xu hướng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Các doanh nghiệp lớn luôn muốn sản xuất theo hướng phát triển bền vững.
Việc xây dựng KCN không chỉ đơn thuần là có miếng đất, phân lô và cho thuê mà cần phải khai thác có trách nhiệm hơn, sử dụng năng lượng sạch hơn.
Cũng theo vị đại diện nói trên, đầu tư vào các KCN sinh thái sẽ tốn kém hơn nhưng lợi ích mang lại là rất lớn. Điển hình như việc Việt Nam sẽ thiếu điện trong tương lai. Chính vì vậy, điện mặt trời, điện gió, điện sinh ra từ rác thải sẽ mang lại những giá trị. Những nguồn năng lượng này hoàn toàn có thể sinh ra từ các KCN.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông nhận định, việc thí điểm các KCN truyền thống sang KCN sinh thái để phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu là thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất nhằm sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.
“Mô hình KCN sinh thái chỉ phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, chuyển đổi mô hình KCN theo hướng phát triển KCN sinh thái bền vững trên 3 trụ cột là môi trường, kinh tế, xã hội đang là xu hướng phát triển trên thế giới và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.