Gian nan triển khai dự án bất động sản vì... “vướng” đủ thứ

(Dân trí) - Doanh nghiệp không xây được cầu kết nối dự án vì người dân không chịu di dời, không được cấp “sổ đỏ” vì chồng chéo trong việc tính tiền sử dụng đất và muôn vàn trở ngại khác.

Không xây được cầu vì “vướng” 3 hộ dân

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM và các Sở ngành về việc tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản TPHCM. Các doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án.

doanh nghiep bat dong san 1.jpg
Nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM đang xin “gỡ vướng” trong công tác triển khai dự án

Đại diện Công ty Cổ phần Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2 cho biết, doanh nghiệp này là chủ đầu tư của dự án chung cư Thảo Điền Pearl (số 12 Quốc Hương, phường Thảo Điền, quận 2).

Tuy nhiên, qua hơn 6 năm, chung cư Thảo Điền Pearl được chủ đầu tư xây dựng, bàn giao cư dân vào sinh sống ổn định từ 2013 nhưng đến nay việc xây cầu kết nối dự án với ga Metro chưa thực hiện được. Lý do là chưa thương lượng được với 3 hộ dân, các hộ dân này có khoảng 230 m2 đất nằm trong lộ giới xây cầu.

Nhiều cuộc họp giữa chủ đầu tư với các Sở ban ngành đã diễn ra nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn bế tắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Điều đó một phần đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh bất động sản của thành phố.

Công ty S.S.G 2 kiến nghị việc giải phóng mặt bằng xây cầu dẫn, đường dẫn, bãi tập kết xe, khu công cộng nhằm kết nối toàn tuyến thì thành phố (chủ đầu tư dự án) phải cùng tổ chức, doanh nghiệp cũng “đứng ra” giải phóng mặt bằng giúp việc xây dựng các công trình công cộng trên được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả phục vụ người dân.

HoREA đề nghị UBND thành phố kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng để xây dựng cơ chế về quy hoạch kết nối các ga Metro bằng cầu cạn để khai thác tối đa hiệu quả của các tuyến metro phục vụ lợi ích công cộng.

Công ty TNHH Kinh doanh và Phát triển nhà Bình Dân cũng kiến nghị UBND thành phố xem xét phê duyệt giá đất dự án Khu dân cư Bình Chiểu 2, quận Thủ Đức để công ty này hoàn thành nghĩa vụ tài chính để thực hiện dự án khu nhà ở thương mại (kèm theo Văn bản số 29/CV/BD ngày 06/08/2018 của Công ty).

doanh nghiep bat dong san 2.jpg
Công tác giải phóng mặt bằng, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn là vấn đề “gian nan” đối với các doanh nghiệp bất động sản

Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín cũng đề xuất UBND thành phố và các Sở, ngành liên quan hướng dẫn trình tự thủ tục để công ty này và UBND quận 5 hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ điểm nghẽn về đất công đối với dự án Khu liên hợp Nhà ở - Văn phòng - Thương mại Tản Đà - Hàm Tử (phường 10, quận 5).

Công ty Sài Gòn Thương Tín  đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường xem xét, đề xuất trình UBND thành phố thu hồi đất để thực hiện dự án theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai đối với dự án chỉnh trang đô thị không qua đấu thầu.

Không được cấp “sổ đỏ” vì cái tầng hầm?

Đại diện Công ty Cổ phần Bất động sản Sơn Kim cho biết, doanh nghiệp này đang vướng mắc về việc tính tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công trình ngầm của dự án. Đây cũng là vướng mắc chung của tất cả các dự án có diện tích chiếm đất của công trình ngầm lớn hơn diện tích khối đế chung cư cao tầng và khu phức hợp cao tầng.

Cụ thể, Dự án khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng - căn hộ Gate Way của Công ty Sơn Kim tại phường Thảo Điền, quận 2 có diện tích xây dựng khối đế (phần nổi) là 5.742,8 m2, diện tích xây dựng tầng hầm (phần ngầm) là 3.346,4 m2.

Khi tính tiền sử dụng đất dự án theo phương pháp thặng dư, các Sở, ngành, đơn vị tư vấn đã tính đủ doanh thu của toàn bộ diện tích là 9.089,2 m2. Nhưng quyết định tính tiền sử dụng đất dự án lại chỉ ghi tính trên diện tích khối đế 5.742,8 m2, còn lại 3.346,4 m2 diện tích tầng hầm lại không được tính.

Do vướng mắc nói trên mà đến nay dự án chưa được cấp “sổ đỏ”. Công ty Sơn Kim đề nghị xin được cấp sổ đỏ và không phải thực hiện bổ sung nghĩa vụ tài chính vì đã được tính đủ doanh thu trên toàn bộ diện tích tầng hầm 9.089,2 m2 để có căn cứ làm sổ hồng cho khách hàng.

Theo HoREA, vướng mắc của Công ty Sơn Kim đã được UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành xem xét đề xuất giải quyết.

Công ty Cổ phần Đầu tư Tấn Hưng cũng cho rằng, doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án Khu trung tâm thương mại dân cư Hưng Điền (phường 16, quận 8). Trong quá trình thực hiện dự án đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, Công ty Tấn Hưng kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho chuyển đổi chức năng đầu tư dự án từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại, chấp thuận các chỉ tiêu về quy hoạch, dân số trong trường hợp dự án được chấp thuận chủ trương chuyển đổi chức năng từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại. Việc này sẽ được Công ty Tấn Hưng trình thực hiện theo quy định.

HoREA cũng đề nghị thành phố chỉ đạo các Sở, ngành hỗ trợ Công ty Tấn Hưng trong việc đẩy nhanh các thủ tục pháp lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Trước hàng loạt vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản ở TPHCM thì trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã có những chỉ đạo đến các Sở ngành.

doanh nghiep bat dong san 3.jpg
Các doanh nghiệp bất động sản đang thực hiện dự án tại khu vực quận 2 cũng đang “kêu trời” vì những vướng mắc, khó khăn đang gặp phải.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, các Sở ngành cần xây dựng phần mềm để công khai minh bạch thông tin hồ sơ pháp lý của các dự án. Việc này nhằm giúp người dân có nhu cầu mua bất động sản dễ dàng kiểm tra tính pháp lý, giúp người dân an tâm hơn và hạn chế được việc doanh nghiệp bán dự án khi chưa đầy đủ tính pháp lý.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND TPHCM, các doanh nghiệp bất động sản cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, hồ sơ pháp lý đối với các khu đất công mà doanh nghiệp muốn mua để thực hiện dự án và thực hiện đầy đủ quy định của Nhà nước. Nếu xảy ra trường hợp thất thoát đất công, ngân sách Nhà nước mà có liên quan đến sự tiếp tay của doanh nghiệp thì cơ quan chức năng sẽ xử lý theo pháp luật.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng chia sẻ một tin vui đến các doanh nghiệp về cơ chế xem xét chấp thuận đầu tư dự án.

Cụ thể, theo hướng tháo gỡ của Chính phủ thì trong thời gian tới sẽ không sử dụng từ “đất ở” mà chỉ dùng từ “đất” để xem xét chấp thuận đầu tư dự án cho doanh nghiệp. Việc chấp thuận đầu tư dự án được căn cứ vào các điều kiện như quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, dân số, năng lực doanh nghiệp…

Đại Việt – Công Quang

banner_chan-bai.gif