1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Giá không chịu giảm sau "sốt", lộ diện phân khúc bất động sản bị thờ ơ nhất

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Đối với thị trường bất động sản bán, các loại hình có mức độ sụt giảm mạnh nhất là đất dự án (giảm 34%), đất (giảm 29%) và biệt thự (giảm 22%).

Theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, một điểm lưu ý là trong quý I/2021, những nơi sôi động, nhộn nhịp về bất động sản ở Hà Nội chủ yếu ở các khu vực vùng ven như Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm…

Giá bất động sản tại một số khu vực vùng ven thiết lập một mặt bằng mới trong khi giá nhiều phân khúc tại các quận nội thành lại gần như "không có biến động".

Không thể phủ nhận đại dịch Covid-19 "khuấy đảo" nền kinh tế trong suốt hơn năm qua nhưng vẫn là một trong những yếu tố tạo ra cơn sốt đất nền thời điểm đầu năm.

Giá không chịu giảm sau sốt, lộ diện phân khúc bất động sản bị thờ ơ nhất - 1

Chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư cần chú ý đến việc định giá sản phẩm để xác định giá đầu tư phù hợp với thị trường.

Đến nay, sóng đất đã lặng nhưng mặt bằng giá vẫn rất cao, đặc biệt là tại khu vực ven Hà Nội.

Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, đất tại các vùng ven Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì có giá chào bán đắt ngang ngửa các khu vực phát triển thuộc các quận nội thành thủ đô với mức giá lên tới 70-90 triệu đồng/m2. Ngay trong các ngõ ngách nhỏ, giá đất thuộc các huyện này cũng bị chào lên tới 20-30 triệu đồng/m2.

Ở Đông Anh, đất mặt tiền Tiên Hội, Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh) có giá rao bán 55-70 triệu đồng/m2. Giá đất Vân Canh, gần đường vành đai 3,5 cũng ở mức 70-90 triệu đồng/m2. Đất mặt đường khu vực thị trấn Văn Điển, Ngọc Hồi (Thanh Trì) cũng có giá đến 97-110 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, mức độ quan tâm ghi nhận tại thị trường Hà Nội trong tháng 4, đầu tháng 5 sụt giảm khá mạnh so với tháng 3 ở cả hai thị trường bán và cho thuê.

Cụ thể, tại Hà Nội, mức độ quan tâm với bất động sản bán giảm 22% trong khi bất động sản cho thuê giảm 19%. Với thị trường bất động sản bán, các loại hình có mức độ sụt giảm mạnh nhất là đất dự án (giảm 34%), đất (giảm 29%) và biệt thự (giảm 22%).

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Savills Hà Nội, cho biết, thời gian gần đây, "sốt" đất đã lắng xuống song giá trị của bất động sản, đặc biệt là đất một số khu vực đã tăng và có dấu hiệu giá ảo. Tình trạng này sẽ không có lợi chung cho tất cả các bên, do đó các nhà đầu tư sẽ cần có những nước đi phù hợp.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nói thêm, hiện tượng tăng giá đất, về bản chất sẽ dẫn tới việc thị trường cần thời gian nhất định để cân bằng lại giữa cung và cầu thật, có thể xác lập một nền giá mới.

"Chúng tôi hy vọng nền giá mới sẽ sớm định hình ổn định, tuy nhiên sẽ cần thời gian để mức giá có thể điều chỉnh lại. Hiển nhiên là tại những thị trường mà đã phát sinh giao dịch với giá tăng cao thì việc điều chỉnh lại về mức giá cân bằng sẽ mất nhiều thời gian hơn", vị chuyên gia Savills nhấn mạnh.

Trong khi đó, sau những cơn "sốt" đẩy giá lên, các nhà đầu tư chưa thể tham gia ngay mà còn phải chờ thị trường tự điều chỉnh xuống một ngưỡng hợp lý. Chuyên gia cho rằng nên đầu tư vào những khu vực mà đất hoặc bất động sản kèm đất có thể đưa vào khai thác sử dụng; còn nếu đầu tư theo hướng "để đấy" hoặc đầu tư mang tính chất đám đông có tính dài hạn thì cũng không phải là giải pháp hợp lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết, đến nay cơn sốt đã được kiểm soát. Tuy nhiên, nói thị trường xuống giá hay chưa thì chưa đánh giá được vì không ghi nhận giao dịch.

Cũng theo ông, giá bất động sản nhiều nơi đang không phản ánh đúng giá trị thực. Do đó, các nhà đầu tư cần chú ý đến việc định giá sản phẩm để xác định giá đầu tư phù hợp với thị trường.