Doanh nghiệp bất động sản tính chuyện đường dài sau "cú bồi" Covid-19
Việc cầm cự nhờ vào nguồn vốn tích lũy đã đến lúc cạn kiệt khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp tục gặp khó khăn khiến họ phải lên kịch bản cho cuộc chiến dài hơi.
Cú đấm bồi khiến doanh nghiệp địa ốc thêm khó
Theo ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP DRH Holdings, dịch quay lại như cú đấm bồi hạ knock-out nhiều doanh nghiệp. Đợt dịch này sẽ khiến những chủ đầu tư, nhà đầu tư phụ thuộc nhiều vào vốn vay gặp khó.
Từ nay đến cuối năm, DRH Holdings không triển khai dự án bất động sản nhà ở nào, chỉ tập trung cơ cấu lại các danh mục đầu tư, hướng tới đầu tư bất động sản công nghiệp. Ngoài ra, công ty tiếp tục tìm kiếm mở rộng quỹ đất phục vụ phát triển dự án khu dân cư và dịch vụ thương mại. Địa điểm đầu tư mục tiêu là những khu vực đất hoàn thành giải tỏa, có vị trí thuận lợi để kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam cho biết, sau khi cả nước kiểm soát được dịch Covid-19 đợt một, đời sống xã hội đi vào tình trạng “bình thường mới”, thị trường bất động sản ghi nhận những tín hiệu hồi phục tích cực. Bằng chứng là trong vài tháng qua, dù không quá sôi động, song thị trường luôn có sự giao dịch ổn định, đặc biệt là với các phân khúc sản phẩm đáp ứng nhu cầu thật.
Trong tháng 8 này, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã lên kế hoạch bung sản phẩm ra thị trường. Song trước sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 lần này, khả năng nhiều kế hoạch sẽ bị đình hoãn. Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc cho biết, dự kiến đầu tháng 8 sẽ chính thức công bố một dự án căn hộ có quy mô gần 1.000 căn hộ tại Bình Dương, song trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, kế hoạch đành phải gác lại.
“Mọi sự chuẩn bị cho kế hoạch tung sản phẩm đợt này đã được doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng cả tháng qua với dự kiến sẽ có một sự kiện bán hàng tập trung được tổ chức tại TPHCM với quy mô 500 khách hàng. Tuy nhiên, để kiểm soát dịch bệnh, TPHCM đã ban hành quy định tạm dừng tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết khác và không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng nên đành gác lại”, vị Tổng giám đốc này nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cũng nói rằng, buộc phải thay đổi kế hoạch đã chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm vì mọi hoạt động bán hàng phải tạm dừng. Công ty đành phải đi theo thị trường ngách, tập trung bán shophouse ở Bình Phước và Gia Lai. Ông Hậu cho rằng khi dịch quay lại, những doanh nghiệp không có sự chuẩn bị về tài chính, kế hoạch kinh doanh chắc chắn sẽ “chết”.
Lên kịch bản cho cuộc chiến dài hơi
Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, việc dịch bệnh bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và một số khu vực địa phương đã gây nên tâm lý lo ngại của người dân và doanh nghiệp nhưng điều này vẫn nằm trong kịch bản rủi ro phải đối mặt khi Chính phủ chấp nhận thiết lập trạng thái bình thường mới.
Trong một cuộc chiến dài hơi cùng đại dịch, cần một đại kịch bản do Chính phủ chủ trì trong 12-24 tháng sắp tới hoặc dài hơn để đánh giá mức độ thiệt hại đến các ngành nghề kinh tế và an sinh xã hội của người dân cũng như tăng trưởng của nền kinh tế.
Do đó, cần tập trung nguồn lực cho các vấn đề cấp thiết đảm bảo đời sống cho người lao động, các gói giải pháp giúp duy trì công ăn việc làm, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực thi một cách nhanh chóng, đúng đối tượng, công bằng và minh bạch mang lại hiệu quả, thật sự tiếp sức cho doanh nghiệp duy trì và tồn tại khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Danh Việt Group cho rằng, có lẽ đây là giai đoạn để doanh nghiệp dừng lại quan sát, nhìn lại những thiếu sót thời gian qua để từ đó cơ cấu lại hoạt động, chuẩn bị cho những bước đi kế tiếp. Theo ông Hiển, giải pháp trước mắt mà công ty đang áp dụng là nghiên cứu tích hợp các mô hình bán hàng phù hợp.
Cụ thể, thay vì phương pháp bán hàng truyền thống trước đây là nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, hay tổ chức các buổi bán hàng tập trung, thì hiện nay, hoạt động bán hàng chuyển sang hình thức online, vừa tránh được dịch bệnh lây lan, vừa đảm bảo khách hàng vẫn có thể giao dịch một cách an toàn.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng nói rằng, làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản. Do đó, Chính phủ sớm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý để tái khởi động hàng trăm dự án nhà ở đang bị ách tắc hiện nay.
Về chính sách tín dụng, trong tình thế khó khăn hiện nay, các ngân hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ đến hạn, xem xét giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng tối thiểu trong năm 2020. Ngoài ra, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.