Điểm danh loạt nơi giá rao bán đất tăng vọt, liệu có xảy ra "sốt" năm 2022?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Liệu có xảy ra sốt đất trong năm 2022?; Giá đất rao bán ở nhiều nơi tăng mạnh, có chỗ tăng 100% so với năm ngoái... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất một số loại thuế BĐS, hạn chế đầu cơ 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 2161 phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó Chiến lược giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển đa dạng nguồn vốn dài hạn dành cho phát triển nhà ở như quỹ đầu tư bất động sản (BĐS) , quỹ đầu tư tín thác bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và các công cụ tài chính dài hạn khác.

Bộ này cũng được yêu cầu nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.

Đồng thời hướng dẫn thực hiện các ưu đãi liên quan đến chính sách tài chính, thuế, tín dụng, chế độ miễn tiền sử dụng đất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quy định chế độ miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các thuế khác liên quan đến hoạt động phát triển nhà ở xã hội.

Điểm danh loạt nơi giá rao bán đất tăng vọt, liệu có xảy ra sốt năm 2022? - 1

Phát triển thị trường bất động sản nhà ở theo hướng bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (Ảnh: V.Q).

Giá đất rao bán ở nhiều nơi tăng mạnh, có chỗ tăng 100% so với năm ngoái

Tại VRES 2021 vừa diễn ra, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết lượng người quan tâm tìm kiếm thị trường đất nền cuối năm phục hồi tốt, tỷ lệ gần bằng với giai đoạn tháng 5 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, so với năm 2020, sự quan tâm đối với phân khúc đất nền năm nay tăng 19%; Đà Nẵng tăng 9%, trong khi TPHCM giảm 8%.

Đi kèm mức độ quan tâm, mặt bằng giá cũng có sự ảnh hưởng mạnh. Theo ông Quốc Anh, tốc độ tăng giá rao bán đất năm 2021 tăng đáng kể. Có những khu vực giá bán rao tăng hơn 100% như Hòa Bình; Hưng Yên tăng 22%, Bắc Ninh 61%; Thái Nguyên tăng 57%... Đối với khu vực miền Trung, giá rao bán đất ở Huế tăng hơn 74%, Quảng Nam tăng 37%.

Liệu có xảy ra sốt đất trong năm 2022?

Ông Cấn Văn Lực cho biết, năm nay, thị trường xuất hiện nhiều cơn sốt là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá. Tuy nhiên, với việc Chính phủ, các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, và có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn sốt đất nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế.

Mặt khác, ông Lực cũng đánh giá, nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây. Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó.

Còn theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, trường Đại học Kinh tế TPHCM, nguyên nhân khiến giá đất sốt nóng vừa qua đến từ các thông tin về nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng. Nhưng trong năm 2021, các kế hoạch phát triển về hạ tầng, quy hoạch đã được dần công bố. Bởi vậy, sang đến năm 2022 sẽ không còn nhiều tiền đề để xuất hiện những điểm nóng hạ tầng nào có thể tạo ra sốt.

"Năm 2022 sẽ là năm Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý cho dự án. Ngay cả tại TPHCM cũng chỉ ưu tiên một số lĩnh vực trọng yếu nên các chiến lược giá từ chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân sẽ ổn định và ít biến động hơn", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Điểm danh loạt nơi giá rao bán đất tăng vọt, liệu có xảy ra sốt năm 2022? - 2

Dự báo về khả năng xuất hiện tình trạng sốt đất như thời điểm trước, đa số các chuyên gia cho rằng, hiện tượng này có thể khó xảy ra trong năm 2022.

Sốt đất diễn ra, chuyên gia vạch điểm cốt yếu dân "lướt sóng" cần lưu ý

Nhận định về các đợt sóng bất động sản hay những đợt sốt đất đang rất được quan tâm, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định, sóng thì luôn có điểm thấp và điểm cao, hoặc điểm tiệm cận dưới và điểm tiệm cận trên.

Mặc dù vậy, TS Khương cũng chỉ ra những rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý trong giai đoạn này. "Nếu nền kinh tế gặp khó khăn và dịch bệnh tiếp tục gây ra những hạn chế về giãn cách xã hội (nếu có) cũng như vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế, thì tôi nghĩ tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất", ông Khương nói.

Chỉ riêng thị trường bất động sản nhà ở thì khó có thể giảm, bởi vì nguồn cung trên thị trường trong thời gian qua rất thiếu ở nhiều phân khúc khác nhau, đặc biệt là phân khúc giá trị vừa phải và trung cấp. Đối với người dân, với khoảng tầm 1 - 3 tỷ đồng để mua một sản phẩm nhà ở tại TPHCM cũng là một câu chuyện lớn. Do vậy theo ông Khương, nếu rủi ro có xảy ra thì tính thanh khoản của sản phẩm sẽ đáng lo hơn là giá trị bị rớt giá bởi vì những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.

Điểm danh loạt nơi giá rao bán đất tăng vọt, liệu có xảy ra sốt năm 2022? - 3

Dòng tiền chảy vào bất động sản ồ ạt, tạo ra các đợt sóng trên thị trường này (Ảnh: N.M)

Hà Nội xắn tay cải tạo chung cư cũ, 10 khu sẽ được chọn làm ban đầu

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định số 5289 về việc ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.. Một trong các giải pháp được đặt ra đó là ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, dự kiến ban hành trong tháng 12.

Điểm danh loạt nơi giá rao bán đất tăng vọt, liệu có xảy ra sốt năm 2022? - 4

Nhiều khu chung cư nằm giữa nội đô đã được ví như "khu ổ chuột" vì điều kiện sinh hoạt quá tồn tàn, thiếu thốn (Ảnh: Tiến Tuấn).

Nội dung Kế hoạch được thực hiện với quan điểm toàn diện, đồng bộ, có trọng điểm, bao gồm: Lập danh mục chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại đồng bộ, toàn diện với 3 nhóm: Nhóm các dự án đang triển khai (chuyển tiếp từ giai đoạn trước năm 2021); nhóm dự kiến khởi công xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025; nhóm chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, dự kiến các nguồn vốn thực hiện đối với từng dự án cụ thể; tạo lập quỹ nhà tái định cư tạm thời...

Lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó dự kiến lựa chọn 6 khu có tính khả thi cao như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp.