Liệu có xảy ra sốt đất trong năm 2022?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được quan tâm song trong năm tới khó xuất hiện tình trạng sốt đất.

Liệu có xảy ra sốt đất trong năm 2022? - 1

Dự báo về khả năng xuất hiện tình trạng sốt đất như thời điểm trước, đa số các chuyên gia cho rằng, hiện tượng này có thể khó xảy ra trong năm 2022.

Tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2021 vừa diễn ra, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi tốt hơn trong năm 2022-2023.

Cụ thể, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6-6,5% trong năm sau, thậm chí, nếu thực hiện tốt các chương trình phục hồi, GDP có thể tăng 6,5-7%. Kinh tế chuyển biến tích cực sẽ giúp sức cầu của thị trường bất động sản tăng trưởng theo.

Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030; đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy; các vấn đề pháp lý đang được tháo gỡ dần, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh…

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cũng nhận định, nhu cầu đầu tư bất động sản người dân trong 2022 vẫn còn rất lớn. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi chính kênh thông tin bất động sản này với người dùng, 92% phản hồi cho biết sẽ tiếp tục đầu tư bất động sản trong năm sau, 77% có mong muốn mua thêm nhà đất và 44% người dùng chọn mua bất động sản trong 1-2 năm tới.

Theo vị này, khu vực thu hút người mua đất nền nhiều sẽ tập trung vào những nơi có quy hoạch hạ tầng mới.

Tuy nhiên, khi thảo luận về khả năng xuất hiện tình trạng sốt đất như thời điểm trước, đa số các chuyên gia cho rằng, hiện tượng này có thể khó xảy ra trong năm 2022.

Ông Cấn Văn Lực cho biết, năm nay, thị trường xuất hiện nhiều cơn sốt là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá. Tuy nhiên, với việc Chính phủ, các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, và có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn sốt đất nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế.

Mặt khác, ông Lực cũng đánh giá, nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây. Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó.

Còn theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, trường Đại học Kinh tế TPHCM, nguyên nhân khiến giá đất sốt nóng vừa qua đến từ các thông tin về nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng. Nhưng trong năm 2021, các kế hoạch phát triển về hạ tầng, quy hoạch đã được dần công bố. Bởi vậy, sang đến năm 2022 sẽ không còn nhiều tiền đề để xuất hiện những điểm nóng hạ tầng nào có thể tạo ra sốt.

"Năm 2022 sẽ là năm Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý cho dự án. Ngay cả tại TPHCM cũng chỉ ưu tiên một số lĩnh vực trọng yếu nên các chiến lược giá từ chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân sẽ ổn định và ít biến động hơn", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Quốc Anh dự báo trong năm sau, giá bất động sản sẽ đi vào thực tế hơn, tập trung ở những khu vực với những công trình phát triển bền vững. Mặt bằng giá bất động sản sẽ được điều chỉnh lại phụ thuộc vào tiến độ triển khai công trình.

"Nếu dự án không được thực hiện hay không có thêm thông tin đáng tin cậy, giá sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với tiềm năng khu vực", ông Quốc Anh nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nhận định, xu hướng dòng tiền vì lo ngại yếu tố dịch bệnh mà sẽ khó đi xa. Nhà đầu tư thận trọng hơn cũng là yếu tố khiến bất động sản khó tạo sóng lớn.

Còn theo nhận định của ông Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản 2022 sẽ giống như "chú bò tót" với sức bật lớn. Tuy nhiên sức mạnh của bò tót phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế chính sách, khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam cũng như nội tại từng doanh nghiệp…