Đề xuất xây nhà ở xã hội liền kề thấp tầng: Ở đâu sẽ khả thi?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Nguồn cung nhà ở xã hội ở Việt Nam dựa theo nguyên tắc phát triển dạng căn hộ chung cư. Song trong đề xuất từ phía Hàn Quốc, nhà ở xã hội có thể phát triển kiểu liền kề thấp tầng ở một số khu vực.

Nhà ở xã hội liền kề thấp tầng, ở đâu phù hợp?

Đề xuất về mô hình tiêu chuẩn nhà ở xã hội liền kề thấp tầng vừa được đưa ra tại hội thảo Dự án Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại diễn ra chiều nay (20/4).

Theo số liệu được Bộ Xây dựng đưa ra tại hội thảo, đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp trên cả nước mới chỉ đạt khoảng 42% so với mục tiêu đã đề ra.

Trước những khó khăn từ việc phát triển nhà ở xã hội, từ năm 2018, Bộ Xây dựng và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA, dưới sự cho phép của Chính phủ 2 nước, đã bắt đầu hợp tác thực hiện Dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030".

Đề xuất xây nhà ở xã hội liền kề thấp tầng: Ở đâu sẽ khả thi? - 1

Phía KOICA cho rằng có thể khuyến khích mẫu nhà ở xã hội liền kề thấp tầng ở các trường hợp là các đô thị loại 4-5 ở các khu vực có nhiều đất trong khu đô thị.

Dự án nhằm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và khảo sát tình hình thực tế của Việt Nam để đề xuất cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội trong thời gian tới của Việt Nam. Đến nay, Dự án đã đi vào giai đoạn cuối và đã đạt được một số kết quả.

Tại hội thảo, đại diện KOICA đã đưa ra một số đề xuất mô hình tiêu chuẩn nhà ở xã hội Việt Nam. Theo đó, đơn vị này cho rằng có thể khuyến khích mẫu nhà ở xã hội liền kề thấp tầng ở các trường hợp là các đô thị loại 4-5 ở các khu vực có nhiều đất trong khu đô thị. Hoặc trường hợp xây dựng nhà ở xã hội thông qua việc tái phát triển quỹ đất hoặc cải tạo, xây dựng lại các công trình hiện có.

Về đặc điểm kiến trúc, mô hình nhà ở xã hội liền kề thấp tầng sẽ chủ yếu xây dựng trên lô đất hình chữ nhật có chiều dài hẹp, được xây dựng kiểu tường tiếp giáp nhau, không có cửa sổ vì tiếp xúc với mặt bên của công trình lân cận; có thể lắp đặt cửa sổ phía trước, sau; diện tích sử dụng tối thiểu là 25m2 trở lên…

Ngoài ra theo đại diện KOICA, với mô hình này sẽ duy trì quy định pháp luật và tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam, hình thức cung ứng 1 lô đất (nhà ở) cho một hộ gia đình (gia đình 1-2 người 1 tầng, gia đình 3-4 người 2 tầng). Tuy nhiên mô hình gia đình 1-2 người sẽ có hiệu quả sử dụng đất thấp so với diện tích lô đất do chỉ xây dựng 1 tầng.

Trao đổi với Dân trí bên lề hội thảo, một lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết mô hình nhà ở xã hội thấp tầng đã được quy định chi tiết trong nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, thực tế các dự án theo mô hình này mới chưa phát triển, chủ yếu hướng tới ở các khu vực có quỹ đất dồi dào, đối với những khu vực như Hà Nội, TP.HCM hay một số địa phương khác gần như "bất khả thi" vì không có quỹ đất. Trong khi đó một số địa phương dồi dào quỹ đất, người dân có xu hướng muốn sử dụng mô hình nhà ở thấp tầng thay vì chung cư thì có thể thực hiện.

Xây dựng giá trần nhà ở xã hội

Trước đó, khi phát biểu mở đầu hội thảo, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam là nước có mức độ đô thị hóa nhanh với ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm.

Dân số khu vực thành thị được dự báo tiếp tục tăng nhanh và đạt 47,25 triệu người (khoảng 44,45% dân số) vào năm 2030 và khi đó Việt Nam được dự báo sẽ có 1 đô thị trên 10 triệu dân, 1 đô thị từ 5-10 triệu dân, và 4 đô thị từ 1-5 triệu dân.

Đề xuất xây nhà ở xã hội liền kề thấp tầng: Ở đâu sẽ khả thi? - 2

Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

"Việc đô thị hóa nhanh tuy có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng với sức ép gia tăng dân số cũng kéo theo một số hệ lụy, trong đó các điều kiện về kết cấu hạ tầng như nhà ở, trường học, bệnh viện… không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân sống tại đô thị, đặc biệt là nhu cầu của người thu nhập thấp", ông Dũng cho biết.

Do đó, ông Dũng cho biết đối với các đối tượng không có khả năng về tài chính như người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất thì Nhà nước cần phải có các cơ chế, chính sách để các đối tượng này có khả năng tiếp cận nhà ở thông qua việc phát triển nhà ở xã hội.

Lãnh đạo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, Dự án Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 đã đưa ra nhiều đề xuất nổi bật. Theo đó, Bộ xây dựng đã tham khảo các đề xuất của các chuyên gia để quy định về quy mô dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị phải dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; bỏ tiêu chí chấm điểm khi thực hiện bán nhà ở xã hội (thay bằng bốc thăm).

Trong thời gian tới, khi đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng cho biết cũng sẽ nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm của phía Hàn Quốc trong phát triển nhà ở xã hội cũng như các đề xuất của dự án, chẳng hạn như: vấn đề tạo quỹ đất cho nhà ở xã hội; tập trung chính sách nhà ở xã hội cho 2 nhóm đối tượng là công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp khu vực đô thị thay vì 10 nhóm đối tượng như Luật Nhà ở 2014 quy định; việc xây dựng giá trần nhà ở xã hội; ưu đãi và thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm