Ngó lơ nhà ở xã hội, nhiều nơi chỉ chăm chăm dự án thương mại, nghỉ dưỡng

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Việt Nam mới chỉ hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng hơn 5 triệu m2 sàn. Con số này mới đạt tỷ lệ 42% kế hoạch.

Một số địa phương chỉ quan tâm dự án khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước có 513 dự án nhà ở xã hội, với số lượng 16.160.000 m2 sàn. Trong đó, số dự án đã hoàn thành là 249, quy mô xây dựng đạt 5,21 triệu m2 sàn.

Đáng lưu ý, con số dự án đã hoàn thành chỉ mới đạt tỷ lệ 42% kế hoạch. Hiện tại, 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 10,95 triệu m2 sàn nhà ở, vẫn được tiếp tục triển khai.

Ngó lơ nhà ở xã hội, nhiều nơi chỉ chăm chăm dự án thương mại, nghỉ dưỡng - 1

Việt Nam đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng 5,21 triệu m2 sàn.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết với mục tiêu nâng cao quyền được có nhà ở của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân ở các khu công nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ Hàn Quốc thực hiện dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030".

Dự án được thực hiện trong thời gian 3 năm, từ tháng 11/2018. Đến thời điểm này, kết quả của dự án là các đề xuất tổng thể nhằm cải thiện chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.

Trong báo cáo của dự án, một trong những vướng mắc khó khăn khi thực hiện phát triển nhà ở xã hội được đưa ra, đó là một số địa phương chưa quan tâm đúng mức chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

"Một số địa phương chỉ quan tâm thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà không chú ý triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân", báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn thị trường bất động sản phát triển "nóng" vừa qua thì các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hầu như không tham gia phát triển nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở giá thấp vì lãi suất vay vốn cao, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, lợi nhuận thấp… Các đối tượng nghèo hoặc có thu nhập thấp cũng không thể vay vốn ngân hàng để mua nhà vì số tiền chi trả cho nhà ở quá lớn so với mức thu nhập của họ….

Nên có tập đoàn đại chúng chịu trách nhiệm toàn bộ về cung cấp nhà ở xã hội?

Một trong những lý do khác khiến mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng đã được Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Cụ thể như việc thiếu nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng (đáp ứng 24% nhu cầu vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến năm 2020);

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Đồng thời vẫn chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội.

Bàn về giải pháp, Bộ Xây dựng cho biết sẽ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam huy động nguồn lực của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và nguồn lực của tổ chức công đoàn để thực hiện các thiết chế công đoàn.

Đồng thời đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 thiết chế của công đoàn trên toàn bộ phạm vi diện tích đất do địa phương giới thiệu.

Trong khi đó, các địa phương sẽ được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung nguồn vốn cho các ngân hàng để cho vay, đặc biệt là nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho 4 Ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để cho doanh nghiệp và người dân vay.

Theo đó, cần phải bổ sung các Chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội vào danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn để có cơ sở bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các chương trình nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Ông Moon Hyogon- Giám đốc bộ phận nghiên cứu kế hoạch và quản lý, Viện nghiên cứu nhà ở và đất đai Hàn Quốc( LHI) - cho biết, hiện tại, Luật Nhà ở Việt Nam quy định 20% nhà ở xã hội khi phát triển nhà ở thương mại. Tuy nhiên, chủ đầu tư thường thanh toán bằng tiền mặt thay vì xây nhà ở xã hội; tiền đã trả không được sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội.

"Trước hết, chúng ta cần tạo quỹ nhà ở xã hội để các quỹ này chỉ dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội. Về lâu dài, công chúng phải chủ động cung cấp ổn định quỹ đất và nguồn lực cần thiết để xây dựng nhà ở xã hội. Hiện tại có thể khó, nhưng Việt Nam cần thành lập một tập đoàn đại chúng như LH của Hàn Quốc và chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc cung cấp nhà ở xã hội", ông Moon Hyogon nói.