Đâu là “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp BĐS “vượt dịch" thành công?
(Dân trí) - Theo giới chuyên gia BĐS, điều mà các doanh nghiệp BĐS mong chờ nhất hiện nay chính là các gói tín dụng, với lãi suất ưu đãi.
Muốn “vượt dịch” phải thay đổi cơ cấu sản phẩm?
Theo thống kê từ Tổng Cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giải thể nằm trong top đầu với 620 doanh nghiệp.
Còn theo số liệu của Bộ Xây dựng công bố vào tháng 5/2020, đã có 80% sàn giao dịch bất động sản (BĐS) phải đóng cửa và chỉ còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.
Để cắt giảm chi phí, các doanh nghiệp bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ.
“Hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch, phần lớn các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ”, Bộ Xây dựng thông tin.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, để cầm cự và “vượt dịch”, các doanh nghiệp BĐS nên dựa vào nhu cầu của thị trường để phát triển dự án. Trong đó, chú trọng việc phát triển dòng sản phẩm nhà ở, chung cư bình dân và giá rẻ, giảm nguồn cung BĐS cao cấp.
Không đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Cương Quyết, CEO của Đất xanh miền Bắc khẳng định, không thể “vượt dịch” bằng cách thay đổi cơ cấu sản phẩm. Bởi muốn phát triển dự án như thế nào, là quyền tự chủ của mỗi doanh nghiệp.
Thay vào đó, “phao cứu sinh” ưu việt nhất và nhiều doanh nghiệp mong chờ nhất chính là các gói tín dụng, với lãi suất ưu đãi. CEO của Đất xanh miền Bắc cho rằng, lãi suất cho vay hiện nay chi nên ở mức 7% - 8%, thay vì 10% - 11% như hiện nay.
Có cùng quan điểm trên, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, con số 620 doanh nghiệp BĐS phá sản trong 6 tháng đầu năm 2020 thực tế vẫn còn ít và khiêm tốn so với nhiều nhóm ngành nghề khác trong nền kinh tế như: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy,...
Ngoài ra, trong số 620 doanh nghiệp giải thể, đa phần thuộc nhóm ngành BĐS dịch vụ như khách sạn, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, hoặc các sàn giao dịch. Ngược lại, nhóm doanh nghiệp kinh doanh, xây dựng, chủ đầu tư hoặc các đơn vị phát triển dự án gần như không bị tác động quá nhiều bởi dịch bệnh.
“Dù chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid-19 khiến cho khối lượng giao dịch giảm mạnh trong 8 tháng qua, thế nhưng, nhiều “ông lớn” trong ngành BĐS vẫn có doanh thu lớn từ hoạt động kinh doanh bán hàng. Như vậy, việc thay đổi cơ cấu sản phẩm để “vượt dịch” là điều không cần thiết”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Hàng vạn người lao động trong lĩnh vực BĐS thất nghiệp chưa được hỗ trợ
Theo GS Đặng Hùng Võ, đối tượng chịu tác động mạnh nhất trong giai đoạn vừa qua chính là các giao dịch viên, nhân viên môi giới BĐS.
Giải thích rõ hơn về điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường nói, các giao dịch viên, nhân viên môi giới BĐS đều làm việc không lương và ăn hoa hồng bán hàng là chủ yếu. Vì vậy, khi các sàn giao dịch, các công ty môi giới đóng cửa, nhân viên môi giới BĐS sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp.
Trước đó, để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ người thất nghiệp do đại dịch Covid-19, Chính phủ cũng đã đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Thế nhưng, ông Võ cho rằng, gói hỗ trợ này hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Theo GS Đặng Hùng Võ, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chỉ tập chung vào nhóm thứ 4, tức là người thuộc diện bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, cách hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Trong khi đó, với hàng vạn nhân viên môi giới BĐS thất nghiệp lại chưa được quan tâm.
“Về nguyên tắc, nhóm lao động tự do, với hàng vạn nhân viên môi giới BĐS thất nghiệp phải là đối tượng chính nhận được hỗ trợ từ chính sách. Thế nhưng, hiếm có người nhận được gói hỗ trợ này. Trên cơ sở đó, Chính phủ cùng một số cơ quan quản lý Nhà nước nên xem xét lại quá trình này”, ông Võ nói thêm.