Đất nông thôn "xì hơi", nhà đầu tư liên tục giảm giá để "thoát hàng"
(Dân trí) - Thị trường đất vùng nông thôn có hiện tượng "xì hơi" sau quãng thời gian "sốt nóng", nhiều nhà đầu tư chấp nhận giảm giá nhiều đợt để tìm khách… nhưng vẫn ế.
Xuống giá vẫn ế
Sau hơn 1 tháng rao bán, anh Nguyễn Quốc Khánh đã 2 lần xuống giá lô đất ở xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định) nhưng chưa có khách mua. Thời điểm anh mua lô đất này cũng đã phải qua tay một nhà đầu tư khác.
"Tháng 10 tháng năm ngoái, tôi mua lô đất hơn 400 m2 với giá 1,8 tỷ đồng. Khoảng tháng 3 năm nay, thị trường khu vực khá sôi động, nhiều môi giới hứa hẹn bán lô đất này với giá 2,1 tỷ đồng. Cân nhắc mãi, tôi rao bán từ đầu tháng 4 vừa qua, nhưng giờ vẫn chưa bán được", anh Khánh chia sẻ.
Theo chủ đất trên, thông tin rao bán rất ít lượt tương tác, một số người gọi đến hỏi nhưng nói tới giá xong không phản hồi thêm. "Tôi đã phải 2 lần xuống giá từ khi rao bán, từ 2,1 tỷ đồng xuống 2 tỷ đồng và giờ là 1,9 tỷ đồng. Nếu phải về mức 1,8 tỷ đồng như thời điểm mua thì mất tiền chi phí liên quan và lãi ngân hàng hơn 6 tháng qua", anh Khánh nói.
Tương tự, nhóm đầu tư của anh Nguyễn Văn Đức (ở Hà Nội) cũng đang bị đọng vốn ở Thanh Hóa sau khi mua đất nền ở huyện Thọ Xuân. Mục đích ban đầu của cả nhóm là mua ô đất hơn 3.000 m2 để phân lô tách thửa, nhưng do thời gian làm thủ tục lâu dẫn tới việc bán ra thị trường ngoài dự tính.
"Thời điểm sau Tết Nguyên đán (khoảng tháng 3) thị trường khu vực các huyện của Thanh Hóa sôi động. Tuy nhiên, đất của chúng tôi lại chưa thể bán do các thủ tục liên quan chưa hoàn thiện, dẫn tới bỏ phí cơ hội", anh Đức chia sẻ.
Dù nghĩ hướng chia ô đất thành các lô nhỏ để phù hợp với vốn đầu tư của nhiều người, nhưng anh Đức thừa nhận, thời điểm hiện tại thị trường không còn lớn như trước. Việc bán các lô đất giá chỉ từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng cũng chật vật.
Trước áp lực lãi ngân hàng phải trả hàng tháng, nhóm đầu tư của anh Đức đang tính dần phương án giảm giá để thoát hàng. "Cả nhóm đang tính toán để đưa ra quyết định giảm giá các lô đất còn lại bởi thị trường đang có dấu hiệu chững. Việc đầu tư có lợi nhuận cao thời điểm này sẽ khó, nhóm sẽ ưu tiên hướng bảo toàn vốn", anh Đức nói.
Đã xuất hiện bong bóng cục bộ
Chia sẻ với Dân trí, anh Nguyễn Văn Quang - một môi giới lâu năm ở khu vực tỉnh Nam Định - cho biết, thị trường đất nông thôn ở các huyện của tỉnh này có đang có dấu hiệu chững lại từ đầu tháng 4 vừa qua. Số lượng nhà đầu tư có nhu cầu mua đất cũng ít hơn nhiều so với thời điểm trước đó.
"Hiện tại, giá đất các huyện ven trung tâm đã cao hơn nhiều so với giá trị thực. Đơn cử một lô đất diện tích 200 m2 nằm trong ngõ xóm của xã Giao Phong (Giao Thủy) đã bị đẩy lên 1 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng, cá biệt có lô lên gần 2 tỷ đồng. Với giá cao như thế này đã khó bán, chưa kể nhà đầu tư tính lãi cao thì càng khó hơn", anh Quang nói.
Cũng theo anh Quang, không ít lô đất đấu giá trên địa bàn huyện Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định) cũng đang khó tìm được người mua. Chủ đất chủ động rao giá giảm hơn đợt đăng bán trước nhưng vẫn ế.
Về nguyên nhân thị trường có phần trầm lắng, nhiều môi giới và nhà đầu tư cho rằng, việc kiểm soát dịch Covid-19 ngày càng hiệu quả, các kênh sản xuất - kinh doanh cũng dần được phục hồi. Dòng tiền có nhiều kênh đầu tư hơn so với thời gian dịch bệnh phức tạp.
Bên cạnh đó, các tín hiệu khó khăn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cùng với việc tăng cường thanh tra dự án, "siết" thuế chuyển nhượng nhà đất khiến thị trường bất động từ chững lại có thể sẽ rơi vào trạng thái khó khăn. Và theo quy luật tất yếu, khi thị trường gặp khó, nhà đầu tư thiếu vốn thì giá bất động bắt buộc phải giảm. Tuy nhiên, trước mắt, giá bất động sản chưa giảm vì kỳ vọng của nhà đầu tư còn lớn và còn khả năng gồng gánh nợ lãi tốt.
Nhận định về thị trường bất động sản những năm gần đây, không ít chuyên gia bất động sản cho rằng, từ năm 2014 tới nay, giá bất động sản liên tục có dấu hiệu tăng nóng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần có cái nhìn thật thận trọng về thị trường và giá bất động sản vì sẽ đến một thời điểm thị trường chững lại, và nhiều nhà đầu tư sẽ phải cắt lỗ bất động sản trong tương lai gần.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), hiện nay có nhiều khu vực thiết lập mặt bằng giá mới rất cao do yếu tố đầu cơ, gây tác hại rất lớn đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, khiến giấc mơ sở hữu nhà của những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị ngày càng xa vời.
Đồng thời, Chủ tịch HoREA cho rằng, mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là tình trạng lệch pha cung cầu. Bởi thị trường đang rất thiếu nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp nhưng lại dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ nghỉ dưỡng.
Nhận định về sự biến động của thị trường trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, khi nguồn vốn chảy vào bất động sản bị co hẹp, các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản sẽ phải tập trung vào dự án có khả thi, không còn đầu tư dàn trải thì thị trường bất động sản chắc chắn sẽ hạ nhiệt.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý I, tình trạng "sốt đất" cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường… Hiện tượng này đang được các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh, nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả.
Cũng theo ông Đính, thị trường bất động sản đã xuất hiện bong bóng cục bộ; giá đất nền các khu vực tăng theo các dự án; giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.