Có hiện tượng nhà ở xã hội vừa thiếu vừa "ế"
(Dân trí) - Dù khẳng định, đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội được thực thi tối đa, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng theo chuyên gia, thực tế vẫn có số lượng lớn nhà ở xã hội "ế".
Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân "ế"
Báo cáo thị trường bất động sản mới đây của Hội Môi giới bất động sản (VARS) cho thấy, quý III vừa qua, cả nước ghi nhận hơn 250 dự án nhà ở đang mở bán, hầu hết là các giai đoạn mở bán tiếp theo của dự án. Cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 sản phẩm.
Bên cạnh nguồn cung từ các giai đoạn tiếp theo từ các dự án cũ, thị trường ghi nhận nguồn cung mới từ các dự án mới mở bán ở một số địa phương như Cần Thơ, Lào Cai, TPHCM, Hải Phòng... Nhiều dự án được gia hạn tiến độ, khởi động, tái khởi động...
Cơ cấu nguồn cung phần lớn vẫn là các sản phẩm thấp tầng, đất nền, chiếm 54% tổng lượng cung nhà ở cả nước.
Phân khúc căn hộ trung cấp (25-50 triệu đồng/m2) và cao cấp (50-80 triệu đồng/m2) tiếp tục dẫn đầu nguồn cung căn hộ mới trong quý, chiếm lần lượt 58% và 26% tổng nguồn cung căn hộ đang mở bán.
Phân khúc căn hộ bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2) tiếp tục khan hiếm, chỉ xuất hiện số lượng ít tại một số tỉnh, thành cấp 2,3. Tổng nguồn cung căn hộ chung cư bình dân giảm 98% so với năm 2019.
Đáng chú ý, theo VARS, hiện tượng nhà ở xã hội vừa thiếu vừa ế. Các dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Đà Nẵng bán gần hết ngay khi tung ra thị trường trong khi thủ phủ công nghiệp Bắc Ninh mới chỉ bán được 1/3 giỏ hàng dù chào bán nhiều lần.
Hồi tháng 8 vừa qua, trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, dù tỉnh Bắc Ninh triển khai đầu tư xây dựng hàng chục ngàn căn nhà ở công nhân, nhưng dường như công nhân làm việc trên địa bàn tỉnh lại không mặn mà với việc mua nhà ở công nhân.
Theo đó, trong số 7 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành, hoàn thành một phần tại Bắc Ninh, cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 căn hộ hoàn thiện, nhưng số công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đăng ký mua nhà rất ít.
Báo cáo nêu rõ, thời gian qua, các chủ dự án đã rao bán 1.681 căn nhà ở công nhân nhưng số lượng bán được rất ít, hiện 7 dự án vẫn còn 1.324 căn nhà.
Mới đây, tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi vừa gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, trên cả nước có 15 địa phương có nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước với tổng số 15.841 căn. Trong đó có 12.162 căn đã cho thuê, 1.380 căn đã cho thuê mua (tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Vĩnh Long), 929 căn đã bán và 750 căn còn trống do chưa có đối tượng thuê/thuê mua hoặc do người thuê hết thời hạn thuê trả lại do không còn nhu cầu, 620 căn của TPHCM chưa có báo cáo cụ thể về tình hình thuê, thuê mua quỹ nhà này.
Cá biệt như TP Đà Nẵng có 10.579 căn nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước nhưng không có trường hợp nào thuê mua mà chỉ cho thuê. Hiện TP đã lập Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bán 846 căn và đã bán được 616 căn.
Cần mở rộng đối tượng được mua
Bộ Xây dựng đánh giá, việc cho phép hình thức thuê mua sẽ dẫn đến ít đối tượng được thụ hưởng làm giảm quỹ nhà cho thuê. Đồng thời khi cho phép thuê mua sẽ dẫn đến hình thức sở hữu "da báo": Trong một dự án hoặc một tòa nhà vừa có sở hữu tư nhân, vừa có sở hữu Nhà nước, dẫn đến việc quản lý, sử dụng, vận hành khó khăn.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm quốc tế thì hầu hết các nước, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... khi đầu tư nhà ở xã hội bằng ngân sách Nhà nước thì chỉ để cho thuê.
Lý giải việc hơn 1.000 căn nhà ở công nhân không có người mua, UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, là do đa số công nhân là người ngoại tỉnh, có tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí việc làm. Mặt khác thu nhập của công nhân còn thấp, vì thế việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở công nhân ở Bắc Ninh thời gian qua rất chậm.
Để tăng tính hấp dẫn của nhà ở công nhân, tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi đặc biệt hơn nữa đối với nhà lưu trú công nhân, nhà ở xã hội dành cho công nhân. Đi kèm với đó là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định, hướng dẫn cụ thể về quản lý, phát triển đồng bộ loại hình nhà ở này.
Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi các quy định, cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ trong các dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn, đảm bảo mục tiêu giảm giá nhà ở xã hội, phù hợp với thu nhập, khả năng chi trả của các đối tượng xã hội.
Đồng thời, quy định cụ thể phương pháp xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua với trường hợp khu nhà ở xã hội quy mô lớn, có đầy đủ hạ tầng.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Hoàng Nam - Thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường bất động sản VARS - cho rằng, ngay cả khi đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội được thực thi tối đa, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, quá trình triển khai, xây dựng đến mở bán dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc, từ cơ chế pháp luật đến quy định và điều kiện mua cũng như các trường hợp được thụ hưởng chính sách.
Ông Nam kiến nghị, chính sách về nhà ở cần hướng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Quy định đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội cần thay đổi phù hợp hơn, nhà ở xã hội không phải là bán cho người giàu nhưng cần hướng đến cả những đối tượng có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế, có tích lũy, nhưng không tiếp cận được với nhà ở thương mại hiện có giá bán ở ngưỡng cao.
"Nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn nhưng việc lên kế hoạch phát triển cần phải được tính toán kỹ càng để đạt được mục đích giúp doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn khó khăn và hỗ trợ người thu nhập thấp có cơ hội an cư", ông Nam nhấn mạnh.