Chính phủ nêu nguyên nhân khiến nhà ở xã hội "nhu cầu lớn - đầu tư kém"
(Dân trí) - Thủ tục hành chính rườm rà, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội khiến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, phê duyệt quy hoạch kéo dài.
Hàng loạt bất cập trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được Chính phủ chỉ ra trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong lĩnh vực xây dựng.
Hơn 2 năm qua, thống kê của Chính phủ cho thấy có 41 dự án nhà ở xã hội tại các đô thị được xây dựng, với khoảng 19.516. Bên cạnh đó, có 294 dự án với 288.499 căn đang được triển khai.
Riêng nửa đầu năm nay, có 9 dự án được khởi công và dự kiến khi hoàn thành sẽ cung ứng cho thị trường hơn 18.700. Hải Phòng, Hà Nội, Lâm Đồng, Bình Định và Bắc Giang… là những địa phương có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được đầu tư.
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Chính sách, Chính phủ cho biết có khoảng 15.000 người thuộc đối tượng vay, thuê mua nhà ở xã hội, công nhân được giải ngân vay vốn, với tổng số tiền 6.200 tỷ đồng.
Dù đạt nhiều kết quả, Chính phủ vẫn chỉ ra hàng loạt bất cập khiến phân khúc nhà ở xã hội có nhu cầu rất lớn nhưng lại chưa phát triển mạnh.
Theo Chính phủ, thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài. Giá bán nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn của doanh nghiệp phải được cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thẩm định trước khi bán, cho thuê.
Thực tế, nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, dẫn tới lãng phí, chủ đầu tư không được bán nên không thể thu hồi vốn. "Việc này làm kéo dài thời gian, gây tốn kém cho doanh nghiệp", Chính phủ nhận định.
Trong khi đó, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, có nội dung chưa thực chất nên không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.
Đề cập đến vấn đề vốn, Chính phủ nêu thực trạng ngân sách chưa bố trí đủ vốn ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trong khi đó, rất ít địa phương bố trí các quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội. Thủ tục hành chính rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
"Thực tế này dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, phê duyệt quy hoạch kéo dài", theo báo cáo của Chính phủ.
Để giải quyết những bất cập này, Chính phủ sẽ bổ sung cơ chế cho nhóm đối tượng thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội; quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân; dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, nửa đầu năm 2023, toàn quốc đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với 157.000 căn; đang triển khai 418 dự án với quy mô 432.000 căn.
Chính phủ đặt mục tiêu đến 2030 có ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn; tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.