Chuyên gia: Thị trường bất động sản mắc 3 thứ bệnh của người già

Khổng Chiêm

(Dân trí) - 3 thứ bệnh mà thị trường bất động sản mắc phải là huyết áp cao, đường huyết cao và cholesterol cao. Để cải thiện, thị trường cần các "bác sĩ" tài khóa, tiền tệ dám bước ra khỏi vùng an toàn.

Sáng nay (9/4), diễn đàn "Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản" được Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức tại TPHCM.

Phát biểu tại diễn đàn, GS.TS Trần Ngọc Thơ - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Giảng dạy tại Đại học Kinh tế TPHCM -  cho biết thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay mắc 3 thứ bệnh của người già. Đó là huyết áp cao, đường huyết cao và cholesterol cao.

Theo ông Thơ, huyết áp cao thể hiện qua giá nhà quá cao so với thu nhập người dân. Để sở hữu căn nhà, người dân mất 50-60 năm. Từ đó, một vòng luẩn quẩn xảy ra là giá nhà càng cao thì "huyết áp" càng tăng, "gây đột quỵ" bất kỳ lúc nào.

Đường huyết cao thể hiện ở việc ngành bất động sản phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn tín dụng - dòng vốn dễ gây nghiện và quá ngọt. Ông Thơ cho rằng "rất khó cai nghiện", bệnh này âm thầm tích lũy, dẫn tới "đột quỵ" tài chính, ngành ngân hàng dễ bị ảnh hưởng.

Còn "cholesterol cao" thể hiện qua hàng tồn kho bất động sản và nợ xấu hiện nay quá cao. Doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán chiếm nhiều nhất về lượng tồn kho, cần có giải pháp xử lý. Tồn kho liên quan đến tài sản thế chấp là nợ xấu vì việc định giá rất có vấn đề.

Ông Thơ cho rằng chỉ cần một trong 3 thứ bệnh trên cao là rất nguy hiểm, nhưng ngành bất động sản lại mắc cùng lúc cả 3 nên nguy cơ bất thình lình "đột quỵ" rất dễ xảy ra.

Chuyên gia: Thị trường bất động sản mắc 3 thứ bệnh của người già - 1

Ngành bất động sản Việt Nam mắc 3 thứ bệnh của người già (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).

Tuy nhiên, chuyên gia nhìn nhận khác với nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, ngành bất động sản vẫn ở "tuổi trung niên" và có thể vượt qua được nhờ các chính sách đặc thù. Để làm được, thị trường cần các "bác sĩ" tài khóa, tiền tệ dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Thơ nêu quan điểm ngành bất động sản cần tự vận động nhiều hơn, tìm cách tự cứu mình thay vì dựa dẫm quá nhiều vào không gian chính sách tài khóa, tiền tệ. Bởi không gian này bắt đầu hẹp dần, vì còn nhiều ngành kinh tế cũng cần cấp cứu như xuất khẩu, may mặc, thủy hải sản... Doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh kinh doanh và hạ kỳ vọng lợi nhuận.

Theo vị giáo sư này, thị trường trong rủi ro có cơ hội. Cuộc cách mạng tinh giảm biên chế dẫn đến dư thừa lượng lớn bất động sản công, từ đó cần có chính sách đột phá trong việc khai thác quỹ đất nhằm tăng nguồn cung thị trường, tức là tạo cholesterol tốt cho nền kinh tế.

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam - đánh giá 2 Nghị quyết đặc thù 170 và 171 của Quốc hội đã giải quyết được nhiều vấn đề và mong sẽ có nhiều cơ chế đặc thù nữa để xử lý những vấn đề then chốt mà các dự án đang mắc phải, như giải phóng mặt bằng.

Ông Đính dẫn số liệu thống kê khoảng 1.000 dự án bị ách tắc và nguồn tiền bị chôn vốn khoảng 30 tỷ USD. Nếu các dự án được giải phóng thì nền kinh tế sẽ được tạo động lực mạnh mẽ. Tâm lý doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ, tạo niềm tin và tăng thêm nguồn cung thị trường.

Cũng theo ông Đính, dòng vốn chảy vào ngành bất động sản theo nhiều nhu cầu khác nhau như nhà ở, kinh doanh, đầu tư... Tuy nhiên, dòng vốn có thể chảy vào đầu cơ như mua đất không xây nhà, mua rồi chờ đăng giá.

Vì vậy, dòng vốn không phát huy được mục đích, gây khó khăn tiếp cận vốn cho người dân, không tạo động lực cho giới trẻ. Người trẻ không mua được nhà, ngại lấy vợ và lập gia đình. Ông Đính đề xuất cần cân nhắc các dòng vốn cần thiết nhưng phải đi đúng mục đích để đạt hiệu quả cao nhất.