Chuyển đổi khu công nghiệp xanh cần phù hợp năng lực, có lộ trình

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Các chuyên gia đánh giá khu công nghiệp xanh là xu thế tất yếu, song cần có lộ trình, cân nhắc việc chuyển đổi thông minh, phù hợp kinh tế địa phương.

Tại sự kiện Diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam 2024 diễn ra hôm nay (19/12),  ông Nguyễn Chí Toàn - Phó chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản Công Nghiệp Việt Nam (VIREA) - nói xu hướng công nghiệp xanh trên thế giới đã phát triển từ rất sớm.

Việc triển khai các khu công nghiệp sinh thái bắt đầu từ những năm 1980 tại Đan Mạch và cuối những năm 1990 tại Trung Quốc, đã đóng góp đáng kể vào việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs 2030), Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), việc chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái là hướng phát triển tất yếu. Đan Mạch, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… là những cái tên tiêu biểu cho công cuộc xanh hóa công nghiệp.

Cũng theo ông Toàn, Việt Nam cam kết cùng 150 quốc gia trên thế giới, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Do đó, phát triển các khu công nghiệp xanh chính là hành động để hướng đến mục tiêu Net-zero Carbon thông qua các hoạt động nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng và phát triển các không gian xanh của khu công nghiệp.

Tình hình thực tế hiện nay, các đầu tư mới phần lớn đều có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn xanh, thông minh và phát triển bền vững. Nhu cầu của các nhà đầu tư đều đòi hỏi đạt tiêu chuẩn hạ tầng, môi trường để đạt tiêu chí sinh thái và phát triển xanh.

Đồng quan điểm, TS Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - cho rằng các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi do áp lực từ quốc tế và mô hình khu công nghiệp đã tồn tại quá nhiều năm. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi phải phù hợp năng lực, lộ trình; thông minh trong việc lựa chọn cách tiếp cận, tư duy về khu công nghiệp phù hợp kinh tế địa phương.

Chuyển đổi khu công nghiệp xanh cần phù hợp năng lực, có lộ trình - 1

TS Bùi Thanh Minh khuyến nghị chuyển đổi xanh cần lộ trình phù hợp (Ảnh: BTC).

Ông Minh chia sẻ đến cuối năm 2023, Việt Nam có 416 khu công nghiệp được thành lập với diện tích hơn 89.000ha. Trong đó, 296 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy hơn 72%.

Song hoạt động của khu công nghiệp hiện tại còn gặp một số khúc mắc. Quỹ đất có vị trí thuận lợi tại các khu công nghiệp trọng điểm ngày càng khan hiếm, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ (phía Bắc thu hút tốt hơn phía Nam dù giá cao hơn, vì hạ tầng tốt hơn).

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, nói chuyển đổi xanh bền vững nhưng thiếu tiêu chí. Năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp cũng còn chênh lệch nhiều so với yêu cầu, đặt ra các thách thức lớn.

Đại diện một đơn vị nêu ý kiến thảo luận, rằng chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái hiện tại gặp khó, bất cập khi thực hiện. Ví dụ, doanh nghiệp chuyển đổi nước thải, đã thực hiện xử lý nước thải đạt chuẩn xả ra môi trường nhưng không được tưới cây.

Bàn về giải pháp bền vững giúp doanh nghiệp khu công nghiệp thuận lợi hơn, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nói Chính phủ có kế hoạch xây dựng luật về khu công nghiệp. Ông cho rằng luật này cần thiết cho sự phát triển, khu công nghiệp cần xây dựng được hệ sinh thái như hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng toàn diện các chỉ tiêu.

Tuy nhiên, một số ý kiến tại sự kiện không ủng hộ luật khu công nghiệp. Bởi luật đặt ra thì doanh nghiệp bị chi phối rất nhiều. Ý kiến cho rằng thay vì có luật mới thì nên góp ý, sửa đổi ở các luật hiện hành.