Thủ tướng: Chuyển đổi xanh là việc không thể không làm
(Dân trí) - Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng là việc không thể không làm và phải làm có hiệu quả.
Sáng 2/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26) chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến ngày càng phức tạp, hậu quả ngày càng lớn, khắc phục mất nhiều công sức, tiền của. Việc ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách mà không nước nào có thể tự làm một mình.
"Góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng là việc không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc và làm phải có hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam vẫn thúc đẩy được tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát và thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, chính sách tiền tệ, tài khóa dần xanh hóa. Trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp của phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khâu thực hiện, việc tham gia thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng còn chưa đồng đều, đa số làm tốt nhưng còn một bộ phận làm chưa tốt, Thủ tướng đánh giá.
Các nhóm công tác hỗ trợ thực hiện JETP (thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng) đã được thành lập nhưng chậm triển khai thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các chính sách, quy định liên quan các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, chuyển đổi năng lượng nhìn chung còn hạn hẹp so với yêu cầu phát triển.
Về quan điểm, Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Do đó, Việt Nam cần nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để làm tốt hơn việc ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, thực hiện các cam kết COP26.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư là vấn đề quan trọng.
Chỉ rõ 5 nhóm nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực hợp tác công - tư, nguồn lực ngoài nhà nước, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tránh lãng phí.
Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng cần được lưu ý; xây dựng các phương thức quản trị mới, quản lý chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt những công nghệ mới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ hình thành và phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch, trong đó có phát triển công nghiệp phụ trợ, trang thiết bị để sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, hydrogen xanh, amoniac xanh…
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể với các bộ, ngành. Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành rà soát, lựa chọn các dự án triển khai ngay trong khuôn khổ JETP và AZEC; hoàn thiện trình phê duyệt các đề án, nghị định, thông tư liên quan, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao triển khai các nhiệm vụ để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế-xã hội, huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh.
Bộ Tài chính thúc đẩy tài chính xanh, nhanh chóng, kịp thời. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh các nguồn vốn tín dụng xanh. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh các chính sách hành động nhằm giảm tác động tiêu cực tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo động lực dẫn dắt phát triển ít phát thải và lan tỏa đến từng ngành, lĩnh vực then chốt.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo) thường xuyên thống kê, đôn đốc các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ đến các bộ ngành khác như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...