Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Vì sao vẫn chỉ là câu chuyện... trên giấy?
(Dân trí) - Hà Nội hiện có gần 1.600 khối nhà chung cư cũ, tất cả đều đã xuống cấp, trong đó có đến 25% số chung cư thuộc diện nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay việc cải tạo, xây dựng lại mới chỉ đạt khoảng... 1%.
"Sống mòn" trong những khu tập thể chờ sập
Gia đình ông Hòa có 3 thế hệ cùng sinh sống trong căn nhà rộng khoảng hơn 40m2 khu tập thể trên đường Lê Hồng Phong (phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội).
Tòa nhà được xây dựng từ những năm 1970 của thế kỷ trước nên đã xuống cấp trầm trọng. Phần mái nhà ngói đã sụp, trần làm bằng thanh tre cũng đã mục ruỗng.
Căn hộ của ông Hòa phải “vá víu”, tạm bợ bằng đủ các loại tôn, cót, nilong. Vợ ông Hòa bệnh nặng, nằm liệt giường nhiều năm nay, mỗi khi trời mưa, nước dột thấm khắp nhà, vô cùng khổ sở.
“Mưa thì phải chạy, chuyển từ đầu giường sang đuôi giường", ông Hoà chua xót nói.
Không chỉ phải sống tạm bợ, hàng trăm hộ dân ở đây hàng ngày cũng phải đối mặt với nỗi lo, sợ hãi tòa nhà có thể đổ sập bất cứ khi nào.
"Khoảng gần chục năm trở lại đây, mái tập thể xuống cấp tôi phải tự lợp một phần tôn cho cả gian tầng 1 và mái gian 2 để gia cố nhà và hạn chế dột. Cuộc sống của chúng tôi ở đây đảo lộn quá nhiều, phần lớn là người già sức khoẻ yếu, mỗi khi trời mưa gây cảnh ẩm ướt ngập lụt nảy sinh nhiều bệnh tật", ông Dương Quý Vị sống ở tầng 3 nhà A nói.
Khu tập thể đã được một doanh nghiệp đến đo đạc, đưa ra mức hỗ trợ, đền bù để cải tạo, xây dựng lại thành một tòa nhà mới. Khoảng 80% người dân đồng ý với mức hỗ trợ đền bù nhưng khoảng hơn 10 hộ dân lại đòi quyền lợi nhiều hơn.
Vì thế, phía doanh nghiệp chưa thể giải quyết, phương án đền bù cho đến này vẫn bỏ ngỏ.
Mâu thuẫn trong vấn đề lợi ích, đền bù tái định cư không chỉ là câu chuyện nan giải tại riêng khu tập thể trên đường Lê Hồng Phong mà còn là “nút thắt” khiến việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội nhiều năm qua vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện có đến gần 1.600 khối nhà chung cư cũ, tất cả đều đã xuống cấp, trong đó có đến 25% số chung cư thuộc diện nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay việc cải tạo, xây dựng lại mới chỉ đạt khoảng... 1%.
Cải tạo lại chung cư cũ, vì sao vẫn chỉ là câu chuyện... trên giấy?
Chia sẻ với PV Dân trí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thực tế, để cải tạo, xây dựng lại số lượng lớn chung cư cũ đang hư hỏng, xuống cấp hiện nay, ngân sách Nhà nước không “kham nổi”.
Do đó, lâu nay ngành chức năng phải huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, cái khó là chúng ta lại chưa có chính sách tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa các bên.
“Việc cải tạo, xây mới chung cư cũ doanh nghiệp phải có lợi nhuận thì mới làm, người dân cũng phải có lợi ích thì họ mới đồng ý.
Các chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay chủ yếu nằm ở khu vực nội thành nên việc xây mới vẫn phải đảm bảo, tuân thủ quy hoạch và mật độ dân cư chung, không được phép xây vượt tầng. Tuy nhiên, khi giao cho doanh nghiệp làm thì hầu như các phương án họ đưa ra đều phá vỡ quy hoạch chung”, ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, TP. Hà Nội cần phải giải quyết việc này bằng cách có những chính sách linh hoạt, ưu đãi cho doanh nghiệp. Có thể, khuyến khích doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ bằng việc hỗ trợ cấp đất, miễn thuế đất ở các vị trí khác.
Ví dụ, để cải tạo được khu chung cư cũ Kim Liên, thành phố đã cấp đất cho chủ đầu tư, đảm bảo lợi ích ở các khu khác ở Mỹ Đình, Long Biên với chính sách ưu đãi giảm thuế đất. Để tránh việc doanh nghiệp tự ý “nâng tầng cao lên” dẫn đến phá vỡ quy hoạch khi cải tạo chung cư cũ thì nhà nước nên lập quy hoạch trước sau đó giao cho doanh nghiệp làm.
Ngoài ra, theo ông Nghiêm, phải có chính sách hỗ trợ tái định cư để người dân đồng ý di dời khỏi các chung cư cũ. Hiện nay dân số trong nội đô Hà Nội đang quá tải với hơn 1,4 triệu người trong khi quy hoạch khống chế chỉ khoảng 80 vạn dân. Điều này đang gây áp lực rất lớn lên hạ tầng đô thị.
Để giảm áp lực dân số, Hà Nội nên học hỏi các bài học từ các nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc... là đưa dân cư ra ngoại thành sinh sống. Muốn thế phải có những cơ chế chính sách đủ sức hấp dẫn như: giảm thuế đất, mua đất giá rẻ.
“Chúng ta hiện nay có 22 thị trấn sinh thái, 5 đô thị vệ tinh hy vọng sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho 1,4 triệu dân nhưng đến nay mới chỉ có 60 vạn người, như vậy là chưa đạt được mục tiêu.
Nhật Bản họ có cách làm rất hay là khi làm thị trấn sinh thái, người dân ra đó sống thì được hưởng rất nhiều ưu đãi, mua nhà giá rất rẻ. Việt Nam cũng có thể áp dụng để giảm áp lực dân số trong nội đô”, ông Nghiêm phân tích.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, việc cải tạo chung cư cũ thực tế đã được Hà Nội đưa ra từ những năm 1998, thời gian tới nếu vẫn không sớm giải quyết được các “nút thắt” này thì việc cải tạo vẫn sẽ chỉ là câu chuyện... trên giấy.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ đã rất cấp bách, nếu cứ kéo dài không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân mà còn gây nhếch nhác, làm méo mó bộ mặt đô thị.
Ông Đính cho rằng, để doanh nghiệp tham gia đầu tư, cải tạo thì nhà nước phải có cơ chế đủ hấp dẫn. Chuyên gia này đề xuất, đối với chung cư, khu tập thể trong nội thành mà không tăng được chiều cao xây dựng và mật độ dân cư thì có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp “bù lỗ” ở các dự án khác xa trung tâm thành phố.
Ngoài ra, trong vấn đề bồi thường hỗ trợ tái định cư, cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho những cư dân tự nguyện muốn ra khỏi chung cư để giãn dân số, tránh gây áp lực nên hạ tầng đô thị.
“Ở Hà Nội mới có hơn 1% số nhà chung cư cũ cải tạo, như vậy là quá ít. Rõ ràng chúng ta đang có mâu thuẫn về lợi ích, chưa có phương án thống nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Chúng ra phải mạnh dạn ban hành, có những chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ các nút thắt này, tạo điều kiện cho các bên tham gia cải tạo chung cư cũ. Nếu không sẽ lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của các dự án trước đó”, ông Đính nhấn mạnh.
Hiệp Nguyễn