Bùng phát cuộc gọi “rác” và gần 30.000 căn condotel tồn đọng…

Tình trạng cuộc gọi “rác” bùng phát tại Việt Nam trong khoảng hai năm trở lại đây tập trung ở lĩnh vực bất động sản, trong đó những cuộc gọi telesale (bán hàng qua điện thoại) mời gọi mua căn hộ nói chung và căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) nói riêng chiếm tỉ trọng nhiều nhất.

Cuộc gọi “rác”: Alô… căn hộ nghỉ dưỡng condotel…

Theo số liệu thống kế đến hết quý III/2019, thị trường bất động sản Việt Nam đang ghi nhận tồn đọng đến gần 30.000 căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) trải dài với các dự án từ bắc đến nam, trong đó tập trung vào các tỉnh có bờ biển dài, địa phương du lịch như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Phú Quốc…

Người viết bài này sau khi thiết lập danh sách các số máy thực hiện các cuộc gọi telesale vào “danh sách đen” trong điện thoại, đã thống kê được trong khoảng ba tháng trở lại đây có khoảng 400 cuộc gọi “rác” và tin nhắn “rác”, trong đó có đến hơn 90% là về lĩnh vực bất động sản và số lượng nhiều nhất là rao bán, mời mua đất nền, condotel, căn hộ chung cư.

Con số thống kê bước đầu tư các nhà mạng hiện mỗi tháng có khoảng 10.000 số thuê bao thực hiện hàng triệu cuộc gọi “rác” gây phiền nhiễu đến hàng triệu người dân.

Ngay trong vụ Cocobay “vỡ trận” cam kết lợi nhuận “khủng” trong những ngày qua, số cuộc gọi “rác” mời mua condotel vẫn không có dấu hiệu gia giảm. Người viết bài này vẫn tiếp tục nhận được các cuộc gọi telesale mời mua condotel của các nhân viên tự xưng thuộc những doanh nghiệp bất động sản lớn S, F, N… rao bán “căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp với ưu đãi lớn”.

Thậm chí, ngay tại thời điểm “nước sôi lửa bỏng” về sự “vỡ trận” từ mức cam kết lợi nhuận 12%, một số nhân viên sale vẫn gửi email, gọi điện rao bán “600 triệu sở hữu căn hộ biển TP. Cam Ranh - Lợi nhuận 12%/năm - Full nội thất” do công ty địa ốc N. phát triển.

Cuộc gọi “rác” phản tác dụng

Tuy nhiên, khi vụ việc Cocobay được dự báo có thể gây ra thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư đang được dư luận rất chú ý thì những cuộc gọi “rác” rao bán condotel càng cho thấy sự bất lợi.

Theo anh Th, một người chuyên đầu tư căn hộ chung cư, thời điểm này đang lúc khủng hoảng dư luận về condotel, chính vì thế công ty nào đi rao bán, mời mọc mua condotel trong lúc này qua email hoặc telesale thì càng khiến khách hàng thiếu niềm tin.

Bùng phát cuộc gọi “rác” và gần 30.000 căn condotel tồn đọng… - 1

Rất nhiều cuộc gọi rác rao bán condotel (ảnh minh họa/PK).

Anh Cường, một người “đã tỉnh táo thoát được rủ rê của anh bạn đầu tư vào condotel”, phân tích rằng, việc mời mọc mua condotel với mức lợi nhuận cam kết 10% hay 12% trong lúc này đều rất dễ bị nhà đầu tư cho rằng cố bán tống bán tháo, thậm chí bị cho rằng muốn đưa khách hàng vào bẫy.

Tại Việt Nam hiện chưa có các chế tài về cuộc gọi “rác” (telesale) chính vì thế nhiều công ty địa ốc và nhân viên bán hàng của họ đã chuyển chiến thuật từ phương thức tin nhắn, email sang cuộc gọi “rác” nhằm né tránh bị chế tài và cũng giúp tạo tương tác với người nghe nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo anh Cường, một người cũng đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông, việc thực hiện các cuộc gọi “rác” (telesale) rao bán condotel trong lúc này có thể sẽ phản tác dụng và càng gây mất thiện cảm đối với những người dùng điện thoại.

Theo: Thế Lâm

Lao Động