Chủ tịch Hiệp hội bất động sản: Condotel lãi suất cao là “đánh” vào lòng tham
(Dân trí) - Chủ đề về condotel, tính pháp lý của loại hình bất động sản này cũng như những rủi ro xung quanh cam kết lãi suất “khủng" là chủ đề nóng được đề cập tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên diễn ra sáng nay (27/11).
Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên năm 2019, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, sau 3 năm “nở rộ” có tới hàng chục nghìn căn hộ condotel đã tung ra thị trường.
“Vậy mà rất tiếc cho đến nay chưa một văn bản nào quy định về loại hình này được ban hành. Cần phải quan tâm đặc biệt vấn đề này, vì loại hình bất động sản này đã hoạt động mấy năm rồi nhưng vẫn chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng”, ông Nam nói.
Đề cập tới vụ Cocobay Đà Nẵng tuyên bố “vỡ trận” về cam kết lãi suất vừa qua, ông Nam nói đây là một “trục trặc” nhưng không phản ánh toàn bộ thị trường condotel.
“Hôm qua, ông Thành (ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Empire Group – chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng – PV) có gọi điện nhờ tôi truyền tải tại diễn đàn này rằng: Việc phải chấm dứt cam kết lãi suất vừa qua là việc bất đắc dĩ phải làm. Ông Thành cũng gửi xin lỗi tới các nhà đầu tư khác nếu làm ảnh hưởng họ”, ông Nam kể lại tại diễn đàn.
Bình luận về condotel cùng cam kết lãi suất cao ngất ngưởng, ông Nam nói: Dự án “chết” vì đưa ra mức lãi suất cao quá. Đáng lẽ thoả thuận phù hợp, vừa tầm thì không sao. Rõ ràng việc đưa ra mức lãi suất cao gấp đôi cả ngân hàng là không có cơ sở.
Mặc dù luật pháp không cấm đoán vì đây là thỏa thuận dân sự nhưng theo ông Nam, việc đưa ra mức lãi suất cao ngất ngưởng chính là “đánh vào lòng tham, kém hiểu biết” của nhà đầu tư.
“Cao gấp đôi ngân hàng thế thì ai gửi tiết kiệm làm gì. Một số doanh nghiệp cũng phàn nàn với tôi rằng việc doanh nghiệp “đua” nhau đưa ra lãi suất lớn như vậy là cạnh tranh không lành mạnh”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng nhấn mạnh việc dùng từ “lòng tham” ở đây có vẻ như “xúc phạm” nhưng cần thiết thẳng thắn như vậy. “Lãi suất cao thì rủi ro lớn. Nhưng rất may trong vụ việc vừa qua, rủi ro là vẫn còn nhẹ nhàng”, ông Nam nhận xét.
Tại buổi toạ đàm diễn ra ngay sau đó về tổng quan thị trường bất động sản năm 2019, cũng khá nhiều ý kiến bàn luận về condotel. Trong đó, một đại biểu đứng lên cho biết: “Tôi có người nhà cũng đầu tư condotel. Như ông Nam (Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Vnrea – PV) vừa nói, quả thực đa số người dân khi đầu tư vẫn dựa vào uy tín chủ đầu tư, không phải ai cũng có đủ kiến thức đọc được những điều khoản trong hợp đồng”.
Cũng theo quan sát của vị này, đa số nhà đầu tư vẫn đầu tư dựa vào những lời “chào mời” từ môi giới, mua theo tâm lý đám đông. “Thậm chí người nhà tôi cũng vậy. Trong 6 tháng đầu rất được, lãi suất trả đầy đủ nhưng sau đó thì không được như vậy, người nhà tôi giờ thấy thà gửi ngân hàng còn hơn”, vị đại biểu kể.
Liên quan đến condotel, thời gian qua, không ít chuyên gia bất động sản đã đưa ra khuyến cáo về tính rủi ro khi đầu tư vào loại hình bất động sản mới này.
Còn nhớ, tại Diễn đàn Bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018, nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo rất mạnh về thực trạng phát triển căn hộ condotel tại Việt Nam. Trong đó, ý kiến của ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation được quan tâm đặc biệt khi ông cho rằng, cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8 - 12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, tránh để xảy ra tình trạng dư thừa, tồn kho, gây bất ổn cho thị trường, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.
Nguyễn Mạnh