Bỏ cọc bị cấm đấu giá 5 năm: Không ăn thua với doanh nghiệp lôm côm?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo HoREA, quy định cấm tham gia đấu giá một số năm không có tác dụng răn đe đối với doanh nghiệp làm ăn lôm côm, nhà đầu tư lập từng doanh nghiệp riêng để "đánh quả".

Bỏ cọc bị cấm đấu giá 5 năm: Không ăn thua với doanh nghiệp lôm côm? - 1

"Bỏ cọc có thể bị cấm đấu giá đất 5 năm" là một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra khi sửa đổi nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (Ảnh: Hữu Khoa).

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Cụ thể dự thảo quy định trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo HoREA, việc cấm tham gia đấu giá một số năm như vậy chỉ có tác dụng răn đe đối với các doanh nghiệp đàng hoàng, quan tâm xây dựng uy tín thương hiệu, mà các doanh nghiệp này lại thuộc đối tượng thường nghiêm túc chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật.

Trong khi đó, quy định cấm tham gia đấu giá một số năm lại không có tác dụng răn đe đối với doanh nghiệp làm ăn lôm côm, nhà đầu tư lập từng doanh nghiệp riêng để "đánh quả". Thêm nữa trên thực tế việc thành lập doanh nghiệp mới quá dễ dàng. Thực tế, đã có những doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng đất nhưng chỉ mới thành lập được vài tháng.

"Quy định thời hạn 5 năm cấm tham gia đấu giá là quá dài mà chỉ nên quy định khoảng 2 năm thì hợp lý hơn", lãnh đạo HoREA góp ý.

Theo đó, Hiệp hội này đề nghị sửa đổi theo hướng chỉ quy định cấm tham gia đấu giá quyền sử dụng đất trong thời hạn 2 năm đối với trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá, hoặc không thực hiện kết quả đấu giá, không thực hiện hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá.

HoREA cũng góp ý một nội dung khác trong dự thảo. Cụ thể đó là quy định: "Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước". Theo Hiệp hội này, đây là điều chưa có căn cứ pháp luật.

Bởi lẽ quy định này chưa thống nhất, chưa phù hợp với quy định tại điểm a khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định: "6. Người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây: a) Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng (…); 7. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này, tổ chức đấu giá tài sản không được quy định thêm các trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong Quy chế cuộc đấu giá".

Do vậy, Luật Đấu giá tài sản 2016 chỉ quy định người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp "đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá" và không hề quy định "sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước".

Liên quan tới nội dung quy định "tiền đặt trước", HoREA cũng cho rằng quy định: "khoản tiền đặt trước tối thiểu là hai mươi phần trăm (20%) giá khởi điểm của tài sản đấu giá" là không phù hợp.

"Do vậy, chỉ nên quy định khoản tiền đặt trước bằng với khoản tiền đặt trước tối đa theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản để phù hợp với khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định khoản tiền đặt trước tối thiểu là 5%, tối đa là 20%", HoREA kiến nghị.