9 lô đất ở quê ế nặng khi đấu giá: Lúa mọc xanh rì, giá khởi điểm vẫn khủng

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - "Sốc" giá đất, có 3 tỷ đồng cũng không mua nổi một lô ở quê; Cắm cổ chạy, vài phút chốt chục lô đất: Cảnh báo các chiêu trò gây sốt ảo... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Cắm cổ chạy, vài phút chốt chục lô đất: Cảnh báo các chiêu trò gây sốt ảo

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh nhốn nháo được cho là của các nhân viên công ty bất động sản đang "chốt cọc" để bán đất cho khách hàng tại Bình Phước.

Cụ thể, đoạn clip dài chỉ vỏn vẹn khoảng vài phút, với hình ảnh một nhóm môi giới bất động sản mặc áo vest, tay xách cặp, vừa chạy "cắm đầu cắm cổ" từ khu lều bạt đến chỗ người dẫn chương trình đứng ở giữa khu đất trống. Đáng ngạc nhiên, thông tin thể hiện trong video vỏn vẹn vài phút nói trên là... hơn chục lô đất được khách "nhanh như chớp" đặt cọc. Không khí của buổi chốt cọc cũng khá ầm ĩ với các màn la lớn, chạy qua chạy lại.

9 lô đất ở quê ế nặng khi đấu giá: Lúa mọc xanh rì, giá khởi điểm vẫn khủng - 1

Thời gian qua, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo chiêu trò tổ chức các sự kiện giao dịch giả tạo, lợi dụng tâm lý đám đông, hám lợi để làm giá, thổi giá đất (Ảnh minh họa: Cắt từ clip).

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - trước đó từng lên tiếng cảnh báo, kể từ năm 2017, tần suất các đợt "sốt ảo" giá đất nền, đất nông nghiệp tại một số địa phương đã xảy ra thường xuyên hơn, có nguyên nhân trực tiếp từ giới "đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương".

Những người này thường lợi dụng các trang mạng xã hội với nhiều chiêu trò như tổ chức các sự kiện giao dịch giả tạo, kinh doanh theo kiểu đa cấp biến tướng, lợi dụng tâm lý đám đông, hám lợi để làm giá, thổi giá đất, ông Châu cho biết.

"Sốc" giá đất, có 3 tỷ đồng cũng không mua nổi một lô ở quê

Theo tìm hiểu của Dân trí, tháng 1/2022, UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) phê duyệt và ký kết với Công ty đấu giá hợp danh Minh Nhật (thành phố Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá 9 lô đất ở nông thôn tại xã Lâm Trung Thủy. Trong đó có 8 lô đất với diện tích 160m2 với giá khởi điểm là hơn 3,5 tỷ đồng/lô và một lô diện tích 263m2 có giá khởi điểm là hơn 4,7 tỷ đồng. Và bước giá trên một lần đấu là từ 176 triệu đồng đến 237 triệu đồng, tùy theo diện tích từng lô.

9 lô đất ở quê ế nặng khi đấu giá: Lúa mọc xanh rì, giá khởi điểm vẫn khủng - 2

Vị trí 9 lô đất vừa được UBND huyện Đức Thọ đưa ra đấu giá nhưng không có ai tham gia vì giá quá cao.

9 lô đất nói trên hiện là đồng lúa xanh mướt, chưa được cắm mốc phân lô thực địa. Đây là những lô đất bám mặt quốc lộ 8A đã được chính quyền thu hồi, phê duyệt giá bồi thường đất lúa cho người dân, sau đó tổ chức bán đấu giá đất ở. Vị trí 9 lô đất này cách trung tâm hành chính huyện Đức Thọ gần 4km.

Ngày 18/2, diễn ra phiên đấu giá nhưng không có ai đến tham gia. Những người dân nơi đây đã rất bất ngờ, bàn tán xôn xao khi những lô đất này được đưa ra đấu giá với mức giá "khủng" như vậy. Họ cho rằng giá đất đó là quá cao so với giá trị thực tế.

"Tôi không nghĩ ở giữa vùng quê mà mỗi lô đất đến 4 - 5 tỷ đồng như thế. Thực sự để người dân có nhu cầu mua làm nhà ở thì rất khó vì giá quá cao", bà Nguyễn Thị Thu (xã Lâm Trung Thủy) nói.

Sốt đất, nhiều người bỏ tiền triệu đi học làm môi giới bất động sản

Bén duyên với nghề môi giới bất động sản nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị H. (trú TP Gia Nghĩa) cho biết, chưa khi nào nghề môi giới lại thu hút người dân tham gia như hiện nay. Không khó để bắt gặp các giao dịch mua bán nhà, đất tại các quán cà phê, địa điểm ăn uống và thậm chí ngay lề đường.

Theo thông báo tuyển sinh ngày 17/2 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Ngoại ngữ - Tin học (GDTX-NN-TH) tỉnh Đắk Nông, đơn vị này phối hợp một đơn vị có trụ sở tại Hà Nội tổ chức khóa học Bất động sản, gồm 3 lớp: Môi giới BĐS, Định giá BĐS và Quản lý sàn giao dịch BĐS.

Tương tự, một cơ sở giáo dục tại TP Gia Nghĩa khác cũng liên kết một công ty xây dựng có trụ sở tại Hà Nội để mở khóa học về bất động sản. Học phí mà trường này đưa ra là 1,2 triệu đồng/lớp và 2,8 triệu đồng nếu học viên đăng ký học cả 3 lớp. Để được cấp chứng chỉ hành nghề, mỗi học viên sẽ đóng khoảng thêm 500.000 đồng khi thi sát hạch, cấp chứng chỉ.

"Hiện tại đã có khoảng 50 học viên đăng ký và lớp sẽ khai giảng vào ngày 2/3", nhân viên tư vấn tuyển sinh của cơ sở đào tạo trên nói và thông tin thêm, một lớp học khác khai giảng ngày 23/2 đã có cả trăm học viên tham dự.

Nhà thầu xây dựng "chóng cả mặt" khi giá thép lại tăng

Theo thông báo từ phía Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên tại Bình Dương, giá các loại thép như thép cây, thép cuộn điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT) từ ngày 21/2. Theo lý giải từ phía công ty thép, giá thép bán ra tăng do giá phôi thép, giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng. Thông báo điều chỉnh này được áp dụng ở khu vực miền Nam.

Ở khu vực miền Bắc, công ty này điều chỉnh tăng giá áp dụng sớm hơn, từ ngày 18/2 với mức tăng tương tự là 300.000 đồng/tấn. Các công ty thép khác cũng thực hiện việc tăng giá bán. Sau điều chỉnh, giá bán các loại thép của Tisco (chưa bao gồm VAT) cũng dao động 17.600 - 17.900 đồng/kg.

9 lô đất ở quê ế nặng khi đấu giá: Lúa mọc xanh rì, giá khởi điểm vẫn khủng - 3

Giá thép tiếp tục tăng, nhà thầu xây dựng lại "đứng ngồi không yên" (Ảnh: DT).

Có thể thấy giá thép tăng liên tục từ đầu năm. Hôm 12/2, các công ty cũng đồng loạt điều chỉnh tăng lên 300.000 đồng/tấn. Cuối tháng trước cũng có đợt tăng giá thép.

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội cho biết từ sau Tết, giá thép lại vào guồng quay tăng nóng, "chóng cả mặt". "Có công trình thi công với hợp đồng giá cũ lúc hơn 13.000 đồng/kg mà giờ khoảng gần 19.000 đồng thì có thể thấy doanh nghiệp lỗ thế nào rồi, chết dở", vị này buồn rầu chia sẻ và lo ngại giá thép sẽ tiếp tục tăng.

Cận cảnh dự án 500 triệu USD thành... nơi chăn bò

Dự án Khu công viên Sài Gòn Safari có quy mô gần 500 ha nằm tại các xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TPHCM). Tổng kinh phí đầu tư dự án lên tới 500 triệu USD, do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư.

Năm 2004, để thực hiện "siêu" dự án này, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi đất, đồng thời giao chủ đầu tư, UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã của huyện Củ Chi.

9 lô đất ở quê ế nặng khi đấu giá: Lúa mọc xanh rì, giá khởi điểm vẫn khủng - 4

Cuối năm 2021, UBND huyện Củ Chi kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch Khu công viên Sài Gòn Safari sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao. Việc chuyển đổi nhằm "gỡ rối" cho dự án bỏ hoang gần 20 năm và tạo điều kiện cho huyện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện (Ảnh: Hữu Khoa)

Dự án thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Theo quy hoạch, Sài Gòn Safari sẽ là khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Nơi đây sẽ tổ chức biểu diễn thú ban ngày, ban đêm, khu dã ngoại, resort, khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi...

Trước những lùm xùm liên quan đến việc chậm tiến độ của dự án, năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc chỉ ra hàng loạt vấn đề tại đây. Cụ thể, dự án có quy mô lớn, diện tích đất phải thu hồi hơn 450ha, nhưng UBND TP HCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp luật. TPHCM đã giao dự án cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư nhưng doanh nghiệp này không đủ năng lực thực hiện.