Tri ân thầy cô nhân ngày 20/11:

Yêu thương luôn quay về…

(Dân trí) - Nhiều người có suy nghĩ rằng, về quê làm việc nghĩa là cống hiến, là yêu quê. Với tôi, xa quê không hẳn là chối bỏ mà là hành trang cuộc đời để ngày về tốt đẹp hơn…

1.     Mới đó mà đã ngót nghét tròn 10 năm tôi ở Sài Gòn. Nhưng dù có sống ở cái thành phố phồn hoa này thêm 10 năm, 20 năm hay trọn cả cuộc đời đi chăng nữa thì cái thuở chân đất đầu trần vẫn sống mãi trong ký ức. Nơi đó, tôi có ba má, có thầy cô, trường lớp và bao bạn bè… Tôi tự hào, tôi có quê hương.

Quê hương trong tôi là những con đường làng dài hun hút, là những cánh đồng khô hạn, nứt nẻ. Là dáng của cha, mẹ chạy đôn chạy đáo cày thuê cuốc mướn kiếm tiền cho con ăn học. Dẫu gian khổ, nhọc nhằn vẫn giữ vững khát vọng… đổi đời cho con. Quê hương là những trưa hè nóng rát, trốn ba má theo thằng Lựu, thằng Mới… đi cạo vỏ bù lời về phơi khô bán lấy tiền… mua kem. Hay những đêm đông mưa dầm dề, lạnh buốt. Đi học thêm về, qua cánh đồng quạnh vắng và lộn cổ xuống ruộng vì đường sá tối tăm…

Quê hương là mái trường mà ở nơi ấy, thầy cô, bạn bè đã chắp cánh tuổi thơ tôi. Số tôi không may mắn. Học xong mẫu giáo thì cái chòi lá ngay nhà đội của xóm Dùi Chiêng bị dẹp đi. Rồi cấp 1, 2, 3… cứ mỗi nơi khi tôi không còn học nữa là trường được sửa chữa, xây mới. Nhưng dù mới, hay cũ, dù tinh tươm hay xập xệ, hình ảnh ngôi trường vẫn còn mãi trong tôi.

Mới đó, mà ngôi trường cấp 2 Quế An của tôi đã có bề dày lịch sử 35 năm. Trong ngần ấy thời gian, tôi có 4 năm học tập, 12 năm luyến lưu và cả một cuộc đời nhung nhớ. Nhớ cây xà cừ to đùng trước cổng mà chúng tôi tranh thủ đến sớm để đu quay. Nhớ cái sân trường rộng thênh, phủ một màu đỏ áu… lại trở thành sân bóng cho những “siêu cầu thủ” banh… chuối trong mỗi giờ ra chơi…

Kỷ niệm về thầy cô, bạn bè nơi mái trường cấp 2 yêu dấu này… tôi có thể đánh cược với mọi người rằng: “Tôi quên, tôi chết liền”.
Trường THCS Quế An, nơi gắn liền với tuổi thơ lam lũ của những đứa học trò nghèo
Trường THCS Quế An, nơi gắn liền với tuổi thơ lam lũ của những đứa học trò nghèo

2.     Dù đi xa muôn phương, trường xưa lớp cũ vẫn đong đầy nỗi nhớ. Vẫn khát khao được quay về. Được lon ton chạy vào cổng trường và luýnh quýnh khi gặp lại thầy cô. Cuộc sống với bao lo toan và khát khao. Nhưng khát khao cháy bỏng của những người con xa quê vẫn mong ngày được trở về với ký ức tuổi thơ… dù ít, hay nhiều. Và với tôi, tôi tự hào vì mình có quê hương, có chốn để quay về…

Tôi hay nói về quê, về ngày xửa ngày xưa bên ngôi trường cấp 2 yêu dấu. Tôi nói bất cứ ở đâu, với người nào, nếu nơi ấy tôi bắt gặp một cái gì đó chạm đến miền ký ức. Tôi kể về thầy cô, bạn bè… Tôi tỉ tê suốt ngày, suốt tháng… có khi còn hơn cả chuyện “nghìn lẻ một đêm”…

Tôi nhớ cái ngày đầu tiên bước lên giảng đường đại học. Nhìn giảng viên ngồi trên bàn, dùng bút lông ghi bài giảng và micro để truyền đạt… Cách giảng dạy lạ lẫm ấy đập vào mắt tôi. Tôi ngạc nhiên vì lạ nhưng lúc đó lại nghĩ ngay về thầy cô quê hương mình. Tôi xót xa…

Đưa ra hình ảnh đối nghịch của thầy cô nơi giảng đường đại học và thầy cô ở quê, tôi không có ý so đo thiệt hơn. Chỉ để cho mình sám hối vì những lần gây nên sự ồn ào trong lớp, hoặc gục xuống bàn ngủ khò… dù trên kia, thầy cô đang dùng hết “sức bình sinh” để giảng dạy mình. Thương lắm… nuối tiếc nhiều…!.

Ai xa quê không mong ngày trở lại. Ai xa trường mà không nhớ về trường xưa. Tôi tin rằng, bao thế hệ học trò của trường THCS Quế An dù đi bất cứ nơi đâu, làm việc gì đi chăng nữa vẫn luôn nhung nhớ và mong muốn quay về với “mái nhà xưa”, dù ít hay nhiều.

Sống tại Sài Gòn, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ ở quê. Bạn bè thắc mắc: “Không biết quê mi có chi mà nhắc suốt”. Tôi cười. Tôi là người hoài cổ, sống với kỷ niệm…

Có đứa bảo tôi “sến”. Tôi cũng chỉ biết cười. Cuộc sống với bao lo toan, cơm áo gạo tiền, “sến” sao nổi. Trách làm gì, nó có phải là tôi đâu...

Tôi yêu văn chương nhưng với nghề báo, văn chương chỉ là điều kiện cần. Tính logic của báo chí đã khiến tôi trở nên cằn cỗi và cái đầu biết “lạnh”. Tôi sợ lúc rảnh rỗi, những chuyến công tác chớp nhoáng qua những miền quê. Đi đâu, làm gì và ngay cả trong suy nghĩ, trong giấc mơ… hình ảnh quê hương với bao người thân thương và ngôi trường yêu dấu hiển hiện. Lúc đó, tim tôi rực “nóng”. Cái gì cũng muốn dành cho quê. Tôi là người tham lam lắm…
Tự hào là học sinh đi ra từ ngôi trường THPT Quế Sơn
Tự hào là học sinh đi ra từ ngôi trường THPT Quế Sơn

3.     Quê hương thay da đổi thịt từng ngày. Trường xưa giờ đã khang trang hơn trước. Hạnh phúc nào bằng khi nhìn đàn em thơ đạp xe bon bon trên con đường nhựa đến trường. Ngày một ít đi những hoàn cảnh cơm không đủ ăn, áo mặc chưa đủ ấm.

Nhưng suy đi, tính lại… quê hương mình còn nghèo lắm. Tôi hay nói đùa với mọi người rằng, tôi sinh ra ở một đất nước nghèo. So với nơi khác, Quảng Nam tôi còn nghèo. Ở trong tỉnh, huyện Quế Sơn lại nghèo hơn. Và trong huyện, Quế An tôi cũng nghèo lắm. Tôi nói vậy, không có nghĩa bi quan. Mà ngẫm đi, ngẫm lại, tôi tự hào vì cái nghèo “trót lỡ” đeo mang. Cái nghèo đã làm cho bao thế hệ học sinh Quế An ý thức được mình để mà vượt khó. Cái nghèo đã luôn nhắc chúng tôi phải đi lên bằng con tim, khối óc, không ỷ lại, không dựa giẫm…

Ta có quyền tự hào, quê mình nghèo nhưng vẫn nhiều người học giỏi. Nhưng cũng phải đi tìm đáp án cho câu hỏi: “Học giỏi sao vẫn nghèo?”. Bao thế hệ học trò trường THCS Quế An đã, đang và sẽ đi tìm câu trả lời ấy…

Bài toán cuộc đời có nhiều hướng giải. Cuộc sống dù thế nào cũng phải hướng về phía trước và tiến bước. Ký ức tuổi thơ, ngôi trường xưa nhiều kỷ niệm, giọng giảng bài của thầy cô, bụi phấn nơi bục giảng… sẽ là hành trang ngọt ngào nhưng cũng đầy thử thách để mỗi chúng ta vững bước vào đời.

Và tôi tin, trên bước đường mưu cầu hạnh phúc, mỗi chúng ta đều giữ bên mình những hoài niệm thưở nào. Thầy cô, mái trường xưa… mãi là suối nguồn yêu thương vô tận…

Yêu thương để ra đi…

                           Yêu thương luôn quay về…

                                                              Quay về để yêu thương hơn nữa…

TPHCM, những ngày cuối thu
Ngô Công Quang