Xịt sơn, phá hoại biển báo giao thông có thể bị phạt tù đến 12 năm
(Dân trí) - Luật sư cho biết, hành vi phá hủy biển báo thuộc công trình giao thông vận tải quan trọng về an ninh quốc gia sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù nặng nhất lên đến 12 năm.
Mới đây, hai bên đường dẫn lên cầu Bà Kẹo đi qua địa phận xã Phong Điền (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chỉ cho xe có tải trọng 2,5 tấn qua, nhưng biển cấm bị xịt sơn đen tẩy xóa dẫn đến một lượng lớn xe quá tải thản nhiên lưu thông.
Hiện tượng này tuy không phổ biến nhưng cũng đã rải rác xuất hiện tại một số địa phương với những hình thức khác nhau như: tự ý xê dịch vị trí cắm biển báo, bôi bẩn, vẽ bậy hay xịt sơn...
Trước đó, tại tỉnh Phú Thọ, các biển báo cấm dừng, đỗ trên tuyến đường Trường Chinh, tại nút giao với quốc lộ 2 đi khu công nghiệp Thụy Vân cũng đã bị kẻ xấu xịt sơn đen với mục đích nhằm vô hiệu hóa các biển báo để một lượng lớn xe tải... thản nhiên dừng, đỗ hai bên đường.
Có thể nói, đây là hành vi cố tình phá hoại nhằm đạt được mục đích cá nhân và chắc chắn sẽ bị cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Theo luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, căn cứ khoản 1, khoản 4, Điều 10, Luật Giao thông đường bộ 2008 về hệ thống báo hiệu đường bộ, biển báo giao thông thuộc hệ thống báo hiệu đường bộ, được đặt trên đường và chứa những thông tin để người tham gia giao thông có thể di chuyển một cách chính xác và an toàn.
Biển báo giao thông được chia thành 5 loại với từng mục đích khác nhau, gồm: Biển báo cấm; Biển báo nguy hiểm; Biển hiệu lệnh; Biển chỉ dẫn; Biển phụ.
Phá hủy biển báo giao thông bị xử phạt thế nào?
Luật sư Xuyến cho biết, hành vi xịt sơn đen tẩy xóa biển báo là hành vi phá hủy biển báo giao thông, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Về xử phạt hành chính, theo quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 17, Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình:
"2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…b) Tháo dỡ, phá hủy hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức;
…
Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này".
Về xử lý hình sự, tại khoản 1, Điều 303, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 105, Điều 1, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, cụ thể:
"Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm".
Như vậy, nếu như biển báo ấy thuộc công trình giao thông vận tải quan trọng về an ninh quốc gia và đủ yếu tố cấu thành "Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia" thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù nặng nhất lên đến 12 năm.