Vụ hàng chục ô tô bị tạt sơn ở Hà Nội: Mức xử phạt lên tới 20 năm tù?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi tạt sơn, vẽ bậy lên xe ô tô của người khác nếu mức thiệt hại được đánh giá từ 2 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt tù cao nhất có thể lên đến 20 năm.

Như Dân trí đã thông tin, hàng chục ô tô đã bị tạt sơn màu đỏ lên thân xe và kính lái khi được đỗ qua đêm tại một tuyến đường trong khu đô thị Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Trước đó, vào tháng 1/2021, hàng loạt xe đưa đón học sinh khi đỗ tại Khu đô thị Trung Văn cũng đã bị kẻ gian đập vỡ đèn, kính chiếu hậu.

Hồi tháng 6 tại khu vực bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), một chiếc xe taxi hiệu Hyundai Grand i10 cũng đã bị tạt sơn màu đỏ không chỉ xung quanh xe mà còn cả trên nóc, kính lái, kính hậu, đèn và các la-zăng một cách có chủ ý khi đỗ dưới gầm cầu.

Vụ hàng chục ô tô bị tạt sơn ở Hà Nội: Mức xử phạt lên tới 20 năm tù? - 1

Chiếc Hyundai Accent bị tạt sơn khi đỗ trong Khu đô thị Trung Văn.

Luật gia Nguyễn Văn Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX cho rằng, theo quy định của pháp luật, hành vi tạt sơn, đập phá, vẽ bậy lên ô tô người khác… chính là hành vi hủy hoại (phá hoại) tài sản của người khác. Hành vi này có thể bị truy cứu hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác hoặc bị xử phạt hành chính.

Hủy hoại (hay phá hoại) tài sản của người khác là hành vi làm cho tài sản bị mất đi giá trị sử dụng; hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản đó.

Xử phạt hành chính khi tạt sơn, vẽ bậy lên ô tô người khác

Theo đó, đối với hành vi xịt sơn, vẽ bậy, cào xước lên xe hay tài sản của người khác; tùy vào mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính và bồi thường thiệt hại dân sự:

Nếu thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015; thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP; về xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy và phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, người này có thể bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng về hành vi "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác".

Cụ thể, tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác…

Theo quy định trên, hành vi đập phá tài sản của người khác có thể bị phạt hành chính đến 05 triệu đồng.

Xử lý hình sự hành vi tạt sơn, vẽ bậy lên ô tô người khác

Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng; nhưng thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác; trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng; nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

 đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Vụ hàng chục ô tô bị tạt sơn ở Hà Nội: Mức xử phạt lên tới 20 năm tù? - 2

Những xe bị tạt sơn đỗ ở cả hai bên đường, gần tòa nhà Intracom Trung Văn.

Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, có thể thấy rằng việc tạt sơn, vẽ bậy lên xe người khác, nếu mức thiệt hại được đánh giá từ 2 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt tù cao nhất có thể lên đến 20 năm và phải bồi thường thiệt hại cho bị hại.

Câu hỏi thường gặp

Hành vi viết, vẽ bậy lên tường nhà người khác có vi phạm pháp luật không?

Hành vi viết, vẽ hình lên tường nhà người khác mà chưa được sự đồng ý, cho phép là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vì, tường nhà, hàng rào nhà ở là tài sản thuộc sở hữu cá nhân; do đó nếu vẽ, bôi bẩn hay bất kỳ tác động nào đều phải xin phép trước khi thực hiện.
Dưới góc độ pháp luật, tùy tính chất, mức độ thiệt hại; mà có thể xem xét để xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Viết vẽ bậy lên di tích lịch sử bị xử phạt thế nào?

Cá nhân thực hiện hành vi vẽ, viết bậy lên di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; có thể bị phạt tiền lên đến 3.000.000.
Hiện nay, việc vẽ, viết bậy lên di sản văn hóa; di tích lịch sử - văn hóa đang trở nên phổ biến trong xã hội. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính này chưa đủ sức răn đe và triệt để; vì vậy pháp luật hình sự cần phải  quy định về những hành vi nói trên để tình trạng này không còn tái diễn.