1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xe to đền xe bé, người đi đúng đền người đi sai - Cục CSGT nói gì?

Phúc Lâm

(Dân trí) - Đại diện Cục CSGT khẳng định, nghiêm cấm tạm giữ phương tiện để thỏa thuận bồi thường. Mọi vụ tai nạn đều được công an làm rõ nên không có chuyện xe to đền xe bé, người đi đúng đền người đi sai.

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao tranh luận vấn đề tài xế liên quan đến vụ tai nạn giao thông được xác định là không có lỗi nhưng phương tiện vẫn bị tạm giữ để các bên thỏa thuận bồi thường thiệt hại và phải có giấy bãi nại của gia đình người thiệt mạng/bị thương mới được trả xe.

Có trường hợp đưa ra dẫn chứng vụ việc người thân trong gia đình anh này điều khiển ô tô xảy ra va chạm với một xe máy, khiến người đi xe máy tử vong. Dù được cơ quan công an xác định là không có lỗi nhưng tài xế ô tô vẫn phải đền bù số tiền lớn cho gia đình nạn nhân để họ viết đơn bãi nại thì anh mới được lấy xe về.

Xe to đền xe bé, người đi đúng đền người đi sai - Cục CSGT nói gì? - 1

Hiện trường vụ xe limousine "cắn đuôi" container trên cao tốc (Ảnh: CTV).

Làm rõ vấn đề này, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho hay, hiện tại, các vụ tại nạn giao thông nói chung hiện nay được giải quyết theo Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an.

Theo đó, khi có tai nạn xảy ra, trước hết, đơn vị CSGT có thẩm quyền tiếp nhận tin báo và xử lý tin báo về vụ việc sẽ cử cán bộ CSGT đến hiện trường xảy ra tai nạn, bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông, tránh để xảy ra ách tắc, phục vụ cho công tác khám nghiệm hiện trường; tạm giữ phương tiện giao thông, khám nghiệm phương tiện giao thông gây ra tai nạn; ghi lời khai của người điều khiển phương tiện/người bị nạn và lời khai của những người khác liên quan đến vụ tại nạn giao thông…

Đối với thỏa thuận đền bù thiệt hại trong tai nạn giao thông, bao gồm thiệt hại về người và tài sản (phương tiện giao thông bị hư hỏng), về nguyên tắc, bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

Nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ Luật dân sự và các văn bản liên quan.

"Việc tạm giữ phương tiện giao thông trong vụ tai nạn giao thông nhằm mục đích đảm bảo cho công tác điều tra, xác minh nguyên nhân xảy ra tại nạn, lỗi thuộc về ai trên cơ sở đó để xác định trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự của các bên.

Ngoài mục đích trên, việc tạm giữ phương tiện giao thông không được coi như là một biện pháp đảm bảo về tài sản để buộc các bên liên quan thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong vụ tai nạn giao thông" - luật sư Tuấn phân tích.

"Không có chuyện xe to đền xe bé"

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Cục CSGT - Bộ Công an cho hay, Thông tư số 63 đã quy định rất rõ về việc "tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề và tạm giữ người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ liên quan đến vụ tai nạn giao thông để điều tra, xác minh theo thủ tục hành chính".

Cụ thể, tại Điều 10, Thông tư số 63, thời hạn tạm giữ phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông không quá 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh, lực lượng chức năng có thể 2 lần kéo dài thời hạn tạm giữ nhưng tổng thời gian tạm giữ tối đa không quá 60 ngày.

Xe to đền xe bé, người đi đúng đền người đi sai - Cục CSGT nói gì? - 2

Đại diện Cục CSGT khẳng định, không có chuyện xe to đền xe bé, người đi đúng đền người đi sai (Ảnh: CTV).

Đặc biệt, đại diện Cục CSGT nhấn mạnh, sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện.

"Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại" - vị đại diện Cục CSGT trích dẫn điểm đ, Điều 10, Thông tư số 63 và khẳng định, không có việc phải có đơn bãi nại của gia đình người bị thương/tử vong thì chủ xe đi đúng mới được trao trả phương tiện tạm giữ.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, đối với các vụ tai nạn có người tử vong, cơ quan điều tra công an cấp quận/huyện hoặc tỉnh/thành phố sẽ điều tra theo thẩm quyền.

"Về nguyên tắc, trong bất kỳ vụ tai nạn giao thông nào, dù có người tử vong hay không, lực lượng chức năng sẽ xem xét hậu quả và tính có lỗi trong vụ việc.

Lực lượng chức năng sẽ xem xét ai gây ra lỗi hay lỗi hỗn hợp hoặc tai nạn tự gây, từ đó làm căn cứ xử lý vụ việc" - đại diện Cục CSGT nói và khẳng định, cơ quan công an sẽ điều tra, làm rõ, nên không có chuyện xe to phải đền xe bé hay người đi đúng phải đền người đi sai.