Xe ô tô gắn bánh xe máy chạy trên đường, luật cho phép hay không?

Hải Hà

(Dân trí) - Cộng đồng mạng mới đây chia sẻ hình ảnh một chiếc ô tô gắn bánh xe máy chạy trên đường phố, được cho là tại tỉnh Cà Mau.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, sau khi kiểm chứng thông tin, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm chủ xe chứ không thể nhân nhượng, bỏ qua theo lối suy nghĩ vì nghèo, vì khó khăn nên phải cải tạo chắp vá để đi lại mưu sinh. Không thể lấy lý do đó để biện hộ cho hành vi vi phạm pháp luật, lấy lợi về mình trao rủi ro cho xã hội.

Xe ô tô gắn bánh xe máy chạy trên đường, luật cho phép hay không? - 1

Hình ảnh chiếc ô tô gắn bánh xe máy chạy trên đường, được cho là ở tỉnh Cà Mau (Ảnh chụp màn hình).

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, phương tiện giao thông vận tải cơ giới được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tự ý thay đổi kết cấu của chủ xe làm cho phương tiện không đảm bảo an toàn khi vận hành, gây ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông.

Luật sư Lực trích dẫn Khoản 1, khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định:

"1. Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.

2. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".

Bên cạnh đó, tại Điểm a Khoản 9 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi bởi Điểm i Khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021), quy định như sau:

"9. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ công-ten-nơ trên xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc)".

Đối chiếu với quy định của pháp luật thì hành vi tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước xe ô tô là vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm