Vì sao phải cấm xe ô tô đi vào làn dừng khẩn cấp đường trên cao?

Hải Hà

(Dân trí) - Một số độc giả gửi tới báo Dân trí những băn khoăn về quy định cấm người điều khiển xe ô tô đi vào làn dừng xe khẩn cấp ở đường vành đai 3 trên cao.

Độc giả cho rằng, từ khi Phòng CSGT Hà Nội tích cực xử phạt người điều khiển ô tô đi vào làn dừng xe khẩn cấp ở đường trên cao, khiến tình trạng ùn tắc kéo dài xảy ra hàng ngày và vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội khoảng 1 tỷ USD/năm.

"Chỉ đường cao tốc mới có làn dừng xe khẩn cấp, đường nội đô không có làn nào như vậy. Đường trên cao cũng là đường nội đô, vậy tại sao lại cho rằng có làn dừng khẩn cấp trên đó mà quy định cấm đi vào và xử phạt?", độc giả Dân trí thắc mắc.

Vì sao phải cấm xe ô tô đi vào làn dừng khẩn cấp đường trên cao?  - 1

Đội CSGT số 6 đã xử phạt nhiều tài xế chạy ô tô ở làn khẩn cấp đường vành đai 3 trên cao (Ảnh: Công an Hà Nội).

Trả lời: 

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, làn dừng xe khẩn cấp là làn nằm ngoài cùng bên phải trên đường cao tốc, được ngăn cách bằng vạch liền màu trắng. Làn đường này được thiết kế giúp các xe khi gặp sự cố có thể tấp vào lề và dừng lại, không làm ảnh hưởng đến giao thông. 

Cụ thể, theo điểm c khoản 1 Điều 26 Luật giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện không được phép chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc. Theo đó, người lái sẽ chỉ được dừng ở làn đường này nếu gặp trường hợp khẩn cấp. Các trường hợp khẩn cấp bao gồm:

Xe bị hư hỏng, thủng lốp xe. Nếu đang lái xe rơ moóc và phần rơ moóc đó gặp phải trục trặc. Tài xế gặp vấn đề về sức khỏe không thể tiếp tục lái xe.

Ngoài ra, các phương tiện ưu tiên bao gồm xe cứu thương, xe cứu hỏa hoặc xe quân sự trong các trường hợp khẩn cấp sẽ được ưu tiên đi vào làn đường này. 

Thời gian gần đây, thực hiện Kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đang tăng cường tiến hành kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm do phương tiện chạy trên làn dừng khẩn cấp tại các tuyến đường trên cao như tuyến vành đai 3. 

Theo tìm hiểu về Quy hoạch đường vành đai 3, tuyến đường này được ký hiệu là CT.37 (trước đây là CT.20), đây là ký hiệu dành cho đường cao tốc theo quy định tại Phụ lục N ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ. Bên cạnh đó, tại đầu đường và các nút giao nhập làn đều có treo biển báo số IE.452 theo Quy chuẩn quốc gia số 41/2019/BGTVT. Biển này có tác dụng chỉ dẫn bắt đầu đường cao tốc, có tên đường, chữ Expressway (đường cao tốc) và tốc độ di chuyển cho phép.

Bên cạnh đó, đường Vành đai 3 trên cao được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc đô thị, theo tiêu chuẩn 104:2007 về vận tốc và số làn, được đánh số hiệu, được gắn biển cao tốc ở lối vào, và nằm trong thống kê tổng chiều dài cao tốc của cả nước.

Như vậy, đường vành đai 3 là đường cao tốc, việc có làn dừng khẩn cấp trên tuyến đường này là đúng quy định pháp luật. Do vậy, chủ phương tiện có hành vi điều khiển xe chạy ở làn dừng khẩn cấp tuyến đường vành đai 3 là vi phạm pháp luật và tùy vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm, người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 26 Luật giao thông đường bộ năm 2008: Người đi bộ, các loại xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được phép đi vào đường cao tốc, trừ trường hợp người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. 

Mặc dù không có quy định về việc xử phạt đối với lỗi người đi bộ, các loại xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h đi vào làn dừng khẩn cấp, nhưng lỗi này vẫn sẽ được quy vào hành vi vi phạm giao thông, điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường cao tốc. Theo đó:

Đối với xe mô tô, xe gắn máy (bao gồm xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, Theo đó, căn cứ quy định tại Điểm b khoản 6, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe chạy ở làn khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 đến 05 tháng và bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt hành chính. 

Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. 

 Đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 100.000 đồng đến 200.000 đồng. 

Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng nếu chạy ở làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển có thể bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng, và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng căn cứ quy định tại điểm d khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. 

Đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Việc điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở phương tiện đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là trái với quy định pháp luật và sẽ bị phạt tiền từ 4- 6 triệu đồng theo quy định tại điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021. Đồng thời, người vi phạm còn có thể bị tước bằng lái xe từ 1 - 3 tháng.

Nếu người điều khiển phương tiện giao thông đi vào làn dừng xe khẩn cấp gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt lên tới 15 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

Luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo, làn khẩn cấp trên cao tốc được thiết kế dành riêng cho những trường hợp bất đắc dĩ xảy ra khi đang tham gia giao thông. Việc các phương tiện chạy trên làn dừng khẩn cấp có thể gây ra ùn tắc giao thông cũng như các hậu quả không lường trước được đến sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, đồng thời phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.