Xe cá nhân có được đi vào làn BRT khi xe bus chưa hoạt động trở lại?

Khả Vân

(Dân trí) - Nhiều người thắc mắc về làn đường dành riêng cho xe bus BRT thời điểm này chưa được hoạt động thì tại sao ngành giao thông vận tải và cảnh sát giao thông không cho người dân được đi vào làn này?

Từ ngày 21/9 và 28/9, Hà Nội đã 2 lần nới lỏng một số các dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Theo đó, lượng phương tiện tham gia giao thông cũng trở nên dày đặc hơn và một số điểm đã xuất hiện ùn tắc vào giờ cao điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, có bất hợp lý không trong khi các làn đường khác thì ken cứng người và phương tiện, trong khi làn đường BRT lại không được đi vào và thi thoảng vẫn có chốt đứng bắt xe đi vào và phạt nguội?

Vậy khi tuyến bus BRT chưa được hoạt động, người dân có được đi vào làn đường này không?

Xe cá nhân có được đi vào làn BRT khi xe bus chưa hoạt động trở lại? - 1

Các làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT) đều có đặt biển R.412a, phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Vì thế, các phương tiện khác không được phép đi vào làn đường này (Ảnh: Tiến Nguyên).

Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Luật giao thông đường bộ năm 2008; Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mọi phương tiện khi tham gia giao thông cần đi đúng làn đường, phần đường quy định.

Phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường quy định có thể bị phạt tiền 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng  theo quy định tại điểm đ, khoản 5, điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Hiện nay dù xe bus BRT không hoạt động nhưng những quy định về nguyên tắc tham gia giao thông, quy định xử phạt không có điều chỉnh nên người dân tham gia giao thông vẫn có nghĩa vụ phải chấp hành. Mọi hành vi lấn làn, đi vào làn BRT vẫn bị xử phạt.

Luật sư Lực cho rằng, việc cảnh sát giao thông xử phạt người dân như hiện nay không sai so với quy định pháp luật. Tuy nhiên trước thực tế người thì đông, đường đi nhỏ, người dân không đảm bảo đủ khoảng cách 2 m còn làn BRT không có phương tiện sử dụng mà lực lượng cảnh sát giao thông vẫn tiến hành xử phạt người dân khi đi vào làn BRT thì có những điểm thiếu hợp tình, tạo ra tâm lý bức xúc cho người tham gia giao thông.

Do vậy trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, để đảm bảo thực hiện giữ khoảng cách 2 m, không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi công sở theo Chỉ số 15 của Chính phủ, góp phần giảm ách tắc giao thông, tận dụng hạ tầng giao thông không sử dụng, thiết nghĩ Sở giao thông Hà Nội, đội cảnh sát giao thông Hà Nội cần ban hành văn bản hướng dẫn cho phép người dân được đi vào làn xe bus BRT và không xử phạt người dân hành vi lấn làn đường.

Có khung giờ nào được đi vào làn đường BRT không?

Theo Quy chuẩn 41:2019 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe hoặc nhóm xe riêng biệt, đặt biển số R.412 (a, b, c, d, e, f, g, h). Biển được đặt phía trên làn xe, ở đầu đường theo chiều xe chạy.

Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định).

Trong đó, biển số R.412a "Làn đường dành cho xe ô tô khách": làn đường dành riêng cho ô tô khách (kể cả ô tô buýt). Khi báo hiệu làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh, bổ sung thêm cụm từ "BRT" trên biển R.412a.

Thực tế, hiện nay trên các tuyến phố Hà Nội, các làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT) đều có đặt biển R.412a, phía dưới có vạch sơn kẻ đường.

Vì thế, đây là làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT). Các phương tiện khác không được phép đi vào làn đường này.

Hiện tại, Hà Nội cũng chưa có quy định cho phép các phương tiện khác đi vào làn đường BRT dù là giờ cao điểm hay thấp điểm, ngày thường hay ngày cuối tuần, lễ, Tết. Vì thế, bất kể khung giờ nào, các phương tiện khác đều không được đi vào làn đường BRT.

Đi vào làn đường BRT bị phạt bao nhiêu tiền?

Khoản 1 Điều 13 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:

Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

Vì vậy, xe máy, ô tô, thậm chí cả xe đạp đi vào làn đường BRT sẽ bị xử phạt lỗi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ.

Cụ thể như sau:

- Mức phạt với ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định: 03 - 05 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

- Mức phạt với xe máy: 400.000 - 600.000 đồng;

- Mức phạt với xe đạp: 80.000 - 100.000 đồng.

 Mức phạt đối với lỗi này tăng mạnh so với Nghị định 46/2016, đặc biệt với ô tô.

Xe cá nhân có được đi vào làn BRT khi xe bus chưa hoạt động trở lại? - 2

Luật sư cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, Hà Nội có thể ban hành văn bản cho phép người dân được đi vào làn BRT góp phần giảm ách tắc giao thông (Ảnh: Mạnh Thắng).

Từ nhiều năm nay, tại các trạm BRT hầu hết đều có camera giao thông, được sử dụng để phạt nguội các phương tiện đi vào làn đường này. Mặc dù không nhìn thấy lực lượng chức năng đứng điều tiết giao thông hay xử phạt, nhưng các phương tiện giao thông (chủ yếu là ô tô) hoàn toàn có thể bị phạt nguội nếu cố tình đi vào làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT.