Xây nhà trên đất bố mẹ vợ cho, người chồng cần lưu ý gì?

Thế Hưng

(Dân trí) - Bất động sản hình thành trước và sau hôn nhân luôn là chủ đề được các cặp vợ chồng trẻ quan tâm. Nhưng để đảm bảo quyền lợi nếu không may ly hôn thì không phải ai cũng nắm rõ.

Thường xuyên tư vấn, giải quyết các vụ việc liên quan tới hôn nhân, Luật sư Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, cả vợ và chồng cần nắm rõ một số thông tin để có cách ứng xử phù hợp đối với việc phân định tài sản.

Xây nhà trên đất bố mẹ vợ cho, người chồng cần lưu ý gì? - 1

Luật sư Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn, Đoàn Luật sư TPHCM (Ảnh: Thế Hưng).

Lấy ví dụ liên quan tới đất đai, Luật sư Trung cho hay, trường hợp nhà vợ cho đất trong thời kỳ hôn nhân, thì vẫn là tài sản riêng của người vợ nếu không muốn cho chồng đứng tên chung. 

Do đó, nếu có ý định xây nhà trên mảnh đất này, mà người chồng không cùng đứng tên, nên thỏa thuận rõ ràng với bên thứ ba (bên thi công) để có đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Tránh trường hợp không có chứng cứ, nếu chẳng may vợ chồng ly hôn sẽ xảy ra tranh chấp rất khó đòi.

Trường hợp người chồng mua đất trước khi lấy vợ, nhưng sau kết hôn mới xây nhà, thì phần đất là của người chồng, ngôi nhà trên đất là tài sản chung.

"Nếu không may ly hôn, người vợ có quyền đòi giá trị đóng góp vào công trình trên đất", luật sư Trung thông tin và chia sẻ thêm, nhưng thực tế, các vụ kiện đòi tài sản trên đất rất phức tạp, khó khăn và kéo dài.

Một trường hợp liên quan tới bất động sản được nhiều người quan tâm hiện nay là sau li hôn nhiều năm, người vợ quay lại đòi chia tài sản.

Trong trường hợp này, tòa án sẽ giải quyết theo hai cách. Cách đầu tiên, tòa giải quyết vấn đề nuôi con, cấp dưỡng, tài sản chung, nợ chung trong cùng một vụ án ly hôn. Khi đó, vụ án sẽ kéo dài và tòa án sẽ giải quyết toàn bộ những gì liên quan tới cả hai.

Cách thứ hai theo luật sư Trung là chỉ giải quyết ly hôn và con chung. Đây cũng là phương án được nhiều người áp dụng. Phần tài sản chung và nợ chung sẽ giải quyết bằng một vụ án dân sự riêng.

Đáng nói, nếu việc ly hôn theo cách hai, thì dù 20-30 năm sau, người vợ hoặc chồng vẫn có quyền đòi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Đưa ra nhiều phương án xử lý, song, luật sư Trung cho rằng, đã là vợ chồng thì nên xác định ở với nhau lâu dài. Vợ chồng cùng nhau làm và phát triển, nếu tính toán quá thì sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hôn nhân gia đình.