Xây 5 quảng trường xung quanh, hồ Thiền Quang sẽ thành cái ao lọt thỏm?

PV

(Dân trí) - Trước đồ án xây dựng 5 quảng trường quanh hồ Thiền Quang, nhiều độc giả bày tỏ sự phản đối và nghi ngại về tính khả thi của dự án.

UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang lấy ý kiến đối với đồ án thiết kế đô thị xung quanh khu vực hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500. Theo đó, khu vực quanh hồ sẽ gồm 13 phân khu chức năng. Riêng phân khu văn hóa nghệ thuật đa năng có một quảng trường trung tâm cùng 4 quảng trường mang tên 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông xung quanh, phục vụ cho các mục đích khác nhau.

Xây 5 quảng trường xung quanh, hồ Thiền Quang sẽ thành cái ao lọt thỏm? - 1

Ảnh: Ngọc Tân.

Mục tiêu của đồ án là tạo các điểm kết nối các khu vực dân cư và các trung tâm văn hóa xã hội của khu vực, trong đó tận dụng lợi thế không gian mở của Công viên Thống Nhất và phố đi bộ Trần Nhân Tông dịp cuối tuần. Tuy nhiên, sau khi nội dung trên được Dân trí đăng tải, nhiều độc giả bày tỏ ý kiến phản đối đối với đồ án cải tạo khu vực xung quanh hồ Thiền Quang.

Bình luận dưới bài viết Hồ Thiền Quang có gì trước đề xuất làm 5 quảng trường xung quanh , độc giả Trịnh Quốc Vinh phân tích: "Quá lãng phí khi hồ nhỏ (5 ha), nếu làm tận 5 quảng trường thì buồn cười quá! Quảng trường phải rộng lớn nên sẽ phải di dân, tốn nhiều tiền của ngân sách; phải phá bỏ nhiều cây xanh đại thụ hiện có xung quanh hồ, mất hết bóng mát. Rồi hồ sẽ như cái ao lọt thỏm ở giữa. Đúng một tối kiến.

Chắc nhiều người sẽ nghĩ như tôi. Muốn cảnh đẹp, thơ mộng như ngày xưa (cách đây 30-40 năm) thì cần chấn chỉnh những thứ nhếch nhác xung quanh hồ đang tồn tại. Cần tu bổ, sửa chữa khu bán đảo (hiện là Cung Thanh niên ở giữa hồ), biến nó thành một viên ngọc đẹp giữa hồ nước là tuyệt nhất".

Có chung quan điểm, độc giả Trần Anh Tú viết: "Theo ý kiến chủ quan của tôi thì không làm gì thêm cả. Sửa chữa, nâng cấp Cung Thanh niên để lấy chỗ làm sự kiện. Vùng nội đô Hà Nội rất chật, làm tận 4-5 quảng trường thì không biết thiết kế chỗ để xe và các phương tiện ở đâu. Đừng lấy đất công viên ra làm chỗ để xe, công viên đã bị khoanh 1 chỗ để làm điểm trông xe rồi đó".

Với chủ tài khoản Binh Nguyen Thanh, anh cho rằng việc sử dụng từ "quảng trường" để nói về quy hoạch cho các khu vực vui chơi xung quanh hồ là không phù hợp. Người này nêu quan điểm quảng trường phải là khu đất rộng, còn xung quanh hồ không thể đủ đất để "vẽ" ra tận 4 quảng trường. Bởi vậy, chỉ nên cải tạo, nâng cấp các công trình đã có và bảo vệ môi trường nước của Hồ Thiền Quang.

Tương tự, anh Phan Trọng đặt câu hỏi thẳng thắn, rằng với quỹ đất xung quanh Hồ Thiền Quang, những công trình quanh hồ nên được gọi là "quảng trường" hay "sân chơi". Người này viết: "Quảng trường không chỉ là công trình rộng về không gian, mà ngay cả những công trình cảnh quan xung quanh nó cũng cần phải là không gian mở. Đề xuất làm 4-5 cái quảng trường quanh hồ, không hiểu họ định làm quảng trường hay làm sân chơi, với diện tích mỗi cái bao nhiêu mét vuông đây?

Không thể để những tư tưởng này lấy đủ các lý do để bao biện cho cái ý tưởng phá nát thành phố. Người dân Hà Nội không cần những cái quảng trường mang tính tuyên truyền, những công trình không vì người dân kiểu này".

"Tôi đoán là làm xong mấy quảng trường này lại cho thuê tổ chức sự kiện và tiệc cưới cho xem. Giờ hết đất thì lấy hồ ra làm là đúng rồi. Quy hoạch toàn thụt lùi", chủ tài khoản Thanhbui bày tỏ sự ngán ngẩm.

"Nếu Hà Nội thực hiện dự án này xong thì hồ này sẽ chỉ còn như 1 vũng nước, mất hết cảnh quan và không gian thoáng của 1 cái hồ cũ", "Nói thật là hồ này diện tích quá nhỏ, lại tính làm 5 hội trường thì thật là buồn cười! Liệu đây có phải là ý tưởng viển vông hay không?", "Nên giữ không gian tự nhiên, cây và mặt hồ như hiện nay hơn là xây thêm các quảng trường mà phải phá bỏ vườn hoa, cây hay lấn thêm mặt hồ"… hàng loạt ý kiến của độc giả gửi về, thể hiện sự không hài lòng và nghi vấn về tính khả thi của đồ án thiết kế trên.

Hoàng Diệu (tổng hợp)