Vụ treo tiền đền bù của dân suốt 7 năm tại Hà Nam: Dân thiệt đơn thiệt kép?

(Dân trí) - Bị treo tiền đền bù sau 7 năm trời, sau đấy người dân nhận được văn bản thông báo từ Hội đồng bồi thường GPMB thành phố Phủ Lý về tổng mức giá hỗ trợ giảm đi 1/3 so với mức giá ban đầu đã thống nhất. Việc này khiến người dân trong cuộc thiệt đơn thiệt kép.

Sau khi bị thu hồi đất để phục vụ dự án mở rộng khu Công nghiệp Tây Nam thành phố Phủ Lý, 3 hộ dân ở phường Lê Hồng Phong sau 7 năm mỏi mòn chờ đợi vẫn không nhận được đền bù hỗ trợ.

Toàn bộ quá trình kiểm đếm và giá cả hỗ trợ đền bù được 3 hộ gia đình thống nhất và không phản đối. Cả 3 hộ dân cũng thực hiện nghiêm túc việc không đầu tư thêm, không cơi nới hoặc xây dựng mới trên đất thu hồi đã kiểm đếm.

Khu vực đa canh của các hộ dân đã thuê đất bị thu hồi
Khu vực đa canh của các hộ dân đã thuê đất bị thu hồi

Theo 3 hộ dân cho biết, việc cả 3 hộ thống nhất mức giá hỗ trợ đền bù và trả lại đất khi chưa đáo hạn vào năm 2010 là do họ thấy số tiền đền bù phù hợp với số tiền họ đã bỏ ra đầu tư vào mô hình đa canh và chưa kể công sức đã bỏ ra, nhưng vì chủ trương phát triển của tỉnh nên họ hoàn toàn đồng ý.

Ông Nguyễn Văn Tuyến cho biết: “Ngày 4/5/2017, 3 hộ dân chúng tôi nhận được văn bản thông báo từ Hội đồng bồi thường GPMB TP Phủ Lý về mức giá bồi thường, hỗ trợ. Gia đình tôi chỉ được tổng mức bồi thường 249.612.583 đồng, còn đối với gia đình ông Quang được 498.428.882 đồng và gia đình ông Anh tổng mức bồi thường 987.659.726 đồng. Như vậy với số tiền đền bù trên so với số vốn đầu tư ban đầu, ba hộ dân chúng tôi thiệt hại mỗi nhà hơn 1 tỉ đồng”.

Không được đầu tư, tu sửa nhiều cây trồng lâu năm bị sụt lún theo bờ kè
Không được đầu tư, tu sửa nhiều cây trồng lâu năm bị sụt lún theo bờ kè

Tại các trang trại mô hình đa canh của 3 hộ dân này các hạng mục đã đầu tư trước đó để phục vụ hoạt động đa canh nay đã xuống cấp hư hỏng. Các bờ kè ngăn sạt lở hồ nuôi cá xuống cấp chìm trong nước, kéo theo hậu quả là những cây trồng lâu năm có giá trị bị sụt lún theo bờ kè, và bị đổ xuống hồ. Ngoài ra các công trình phục vụ chăn nuôi, sinh hoạt không được nâng cấp như chuồng trại chăn nuôi, cống thoát nước, đường sá, sân sinh hoạt… cũng bị hư hỏng nặng.

Đầu tư vào làm đa canh nhưng sau khi bị thu hồi các hộ dân chấp hành nghiêm túc không đầu tư, tu sửa khiến đường sá, sân bị hư hỏng nặng sau 7 năm
Đầu tư vào làm đa canh nhưng sau khi bị thu hồi các hộ dân chấp hành nghiêm túc không đầu tư, tu sửa khiến đường sá, sân bị hư hỏng nặng sau 7 năm

Ông Nguyễn Văn Anh cho biết: “Từ năm 2002 đến năm 2010 gia đình tôi đã vay ngân hàng và người thân hơn 3 tỷ đồng đầu tư vào trang trại hơn 3ha, bây giờ đền bù như thế là không thoả đáng. Nếu áp giá vào năm 2010 thì may ra chúng tôi mới vớt vát lại được số vốn đã đầu tư, chứ áp giá vào năm 2017 thì chúng tôi chỉ có bán nhà đi trả nợ”.

Ông Anh cho biết thêm: “Gia đình tôi chấp hành nghiêm túc chủ trương của tỉnh, khi kiểm đếm xong chúng tôi cũng chả dám đầu tư vào, vậy tại sao lại không trả tiền cho chúng tôi từ năm 2010. Đến tận bây giờ chúng tôi vẫn không được trả tiền, giờ các cơ quan chức năng lại áp mức giá khác và giảm đi quá nhiều. Điều đó không công bằng với chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì sai trái cả, việc nợ tiền hỗ trợ đền bù là việc của cơ quan chức năng, chứ không phải chúng tôi không đến lấy mà là không được nhận”.

Diện tích sạt lở ngày một nhiều hơn khiến các hộ dân ngao ngán
Diện tích sạt lở ngày một nhiều hơn khiến các hộ dân ngao ngán

Vào năm 2002, 3 hộ dân gồm ông Nguyễn Văn Anh; Nguyễn Văn Tuyến và Nguyễn Văn Quang (cùng ngụ tại phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) cùng ký hợp đồng với UBND phường Lê Hồng Phong thuê tổng số hơn 5 ha đất nông nghiệp thời hạn đến hết năm 2013. Đến tháng 12/2009, cả 3 ông nhận được thông báo của UBND phường Lê Hồng Phong về việc thu hồi diện tích đất nêu trên để làm dự án mở rộng khu Công nghiệp Tây Nam thành phố Phủ Lý.

Tháng 1/2010, Ban Giải phóng mặt bằng thành phố Phủ Lý tổ chức kiểm đếm tài sản để đền bù. Sau đó, chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ không được đầu tư thêm hoặc cơi nới để chờ nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, nhiều năm đã trôi qua mà các hộ trên vẫn chưa được nhận một đồng đền bù nào.

Đến 4/5/2017, 3 hộ dân trên nhận được văn bản thông báo từ Hội đồng bồi thường GPMB TP Phủ Lý về mức giá bồi thường, hỗ trợ nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với mức giá ban đầu.

Hiện các hộ gia đình trên vẫn kiến nghị đến các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam, nguyện vọng của họ là mong muốn được xem xét lại mức giá này vì họ thiệt hại quá nhiều.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc

Đức Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm