Vụ treo tiền đền bù của dân suốt 7 năm tại Hà Nam: Người trong cuộc nói gì?
(Dân trí) - Theo như Đại diện phía Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) thành phố Phủ Lý cho biết, phía Ban GPMB không vào kiểm đếm lại số tài sản ở trang trại của 3 hộ gia đình phường Lê Hồng Phong thuê lại mà chỉ đến để kiểm tra lại.
>> “Treo” tiền đền bù của dân, 6 năm sau ra văn bản kiểm đếm lại!
Liên quan đến sự việc 3 hộ dân ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam liên tục gửi đơn phản ánh, khiếu nại đến các cơ quan chức năng về việc thành phố Phủ Lý thu hồi đất trang trại của họ đã 7 năm nay nhưng chưa được đền bù, hỗ trợ...
Chờ đợi mỏi mòn tiền đền bù chưa thấy đâu thì đến ngày 15/12/2016, 3 hộ dân này bỗng nhận được quyết định số 3320/QĐ-UBND, của UBND thành phố về việc quyết định kiểm đếm bắt buộc tài sản đồng thời ra văn bản định giá bồi thường chỉ bằng 1/3 so với lần kiểm đếm 7 năm trước đó.
Tuy nhiên các gia đình không đồng ý cho kiểm đếm lại và cho rằng từ năm 2002 đến năm 2010 gia đình vay ngân hàng và người thân hơn 3 tỷ đồng đầu tư vào trang trại hơn 3ha, bây giờ đền bù như thế là không thoả đáng.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Trương Trung Hiếu, cán bộ Ban GPMB thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, là người phụ trách về sự việc này cho biết: “Theo Quyết định số 1132/QĐ-UBND ngày 16/9/2009 của UBND tỉnh Hà Nam thì phần đất của gia đình 3 hộ dân gồm: anh Nguyễn Văn Anh; Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Văn Quang thuê lại để canh tác sẽ bị thu hồi để mở rộng Cụm công nghiệp Tây Nam thành phố Phủ Lý.
Sau khi ra Quyết định này, thì đến năm 2010 Hội đồng bồi thường được thành lập để kiểm kê tài sản, hoa màu trên đất những hộ dân nằm trong vùng mở rộng Cụm công nghiệp này”.
Trả lời về lý do năm 2010, giữa Ban GPMB và 3 hộ dân trên đã thống nhất việc kiểm kê, thống nhất tiền đền bù theo quy định hiện hành, nhưng số tiền mà người dân được đền bù lại bị treo gần 7 năm trời, ông Hiếu cho biết không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho hay, năm 2012 UBND tỉnh Hà Nam có điều chỉnh lại Cụm công nghiệp Tây Nam thành phố Phủ Lý, sau khi điều chỉnh lại mãi đến 4/4/2016 chủ đầu tư là Ban quản lý khu Công nghiệp mới cung cấp các hồ sơ trích đo, các thống kê đã được Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Nam phê duyệt. Sau điều chỉnh này, cơ quan chức năng mới đánh giá lại toàn bộ quá trình kiểm đếm và thống nhất đền bù.
Ông Hiếu cũng cho biết thêm, phía thành phố Phủ Lý ra văn bản bắt buộc kiểm đếm lại, nhưng các hộ dân không đồng ý nên Ban GPMB không kiểm đếm lại.
Tại Biên bản làm việc ngày 10/1/2017 tại khu đa canh gia đình ông Nguyễn Văn Anh, tổ công tác gồm các thành phần: UBND phường Châu Sơn, UBND phường Lê Hồng Phong, Đại diện Ban GPMB thành phố Phủ Lý, Đại diện tổ dân phố, Chủ đầu tư là Ban quản lý các khu Công nghiệp và đại diện 3 gia đình thì các gia đình thống nhất việc giữ nguyên số liệu kiểm đếm năm 2010 và áp giá theo mức hiện hành.
Các hộ cũng nhất trí chủ trương thu hồi dự án và văn bản 2079 của UBND tỉnh Hà Nam ngày 9/9/2016 áp giá theo cơ chế chính sách mới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Anh khẳng định: “Trong cuộc họp ngày 10/1/2017 chúng tôi thống nhất giữ nguyên văn bản kiểm đếm năm 2010 và áp giá theo mức hiện hành tức là vào thời điểm năm 2010, chứ không phải áp giá theo quy định hiện nay. Cứ làm như thế này chúng tôi sẽ rất thiệt thòi, ai đời kiểm đếm năm 2010 lại áp giá năm 2017 bao giờ, quá vô lý”.
Ông Anh cho biết, về vấn đề này, chúng tôi sẽ kiến nghị lại với các cơ quan chức năng, chúng tôi đã chấp hành hoàn toàn chủ trương của UBND tỉnh, nếu bây giờ tỉnh cho áp giá theo mức 2017 thì chúng tôi thực sự thiệt hại rất nhiều.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc
Đức Văn