Vụ tranh chấp thi thể tại Đắk Nông: Có bắt buộc phải an táng tại quê nhà?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, pháp luật không quy định bắt buộc về nơi an táng người chết, việc thực hiện có thể áp dụng tập quán từng địa phương.

Như Dân trí đã thông tin, giữa tháng 7 vừa qua, ông N.B.T. (ở Đắk Nông) đột ngột qua đời, được vợ là bà S. cùng họ hàng tổ chức an táng tại huyện Đắk Mil (Đắk Nông). 49 ngày sau khi ông T. mất, bà N. (em gái ông T.), thừa ủy quyền của mẹ ruột, có đơn đề nghị công an làm rõ cái chết của anh trai mình do nghi ông bị sát hại. Đơn đề nghị cũng nêu rõ nguyện vọng của gia đình muốn khai quật tử thi để hỏa thiêu, sau đó đưa về quê ở Vĩnh Phúc để chôn cất.

Ngoài ra, thông tin nghi ngờ việc 2 người không phải vợ chồng cũng xuất hiện. Về vấn đề này, bà S. cho biết đã kết hôn, làm đám cưới với ông T. nhưng trong giấy đăng ký kết hôn không có chữ ký 2 vợ chồng. Tuy nhiên, trong giấy khai sinh của các con đều khai sinh đầy đủ tên bố mẹ.

Theo dõi diễn biến vụ việc, độc giả Dân trí băn khoăn: trường hợp này, mối quan hệ hôn nhân giữa ông T. và bà S. có được pháp luật công nhận hay không? Nếu gia đình có đơn gửi Tòa án, yêu cầu giành quyền an táng đối với thi thể ông T., sự việc có thể diễn biến ra sao?

Vụ tranh chấp thi thể tại Đắk Nông: Có bắt buộc phải an táng tại quê nhà? - 1

Lễ cưới tổ chức năm 2008 với sự chứng kiến của họ hàng hai bên (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Có được khai sinh cho con nếu giấy đăng ký kết hôn không hợp lệ?

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo khoản 7, Điều 4 Luật Hộ tịch 2014, giấy chứng nhận kết hôn là văn bản được cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn. Nội dung giấy chứng nhận bao gồm các thông tin cơ bản quy định tại khoản 2, Điều 17 Luật này như họ tên, ngày tháng năm sinh của vợ chồng, ngày tháng năm đăng ký kết hôn hay chữ ký hoặc điểm chỉ của 2 bên và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.

Như vậy, để được cấp giấy chứng nhận, 2 người phải chuẩn bị và nộp tờ khai đăng ký kết hôn, cùng có mặt tại nơi thực hiện đăng ký kết hôn. Sau đó, 2 người phải cùng ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ hộ tịch để được trao Giấy đăng ký kết hôn.

Vụ tranh chấp thi thể tại Đắk Nông: Có bắt buộc phải an táng tại quê nhà? - 2

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Từ những căn cứ trên, ông Hùng phân tích, việc ký tên vào đăng ký kết hôn là một trong các thủ tục bắt buộc. Theo khoản 1, Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nếu việc kết hôn không đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý. Nếu thiếu chữ ký của ít nhất 1 trong 2 người trong Giấy đăng ký kết hôn thì Giấy này không có giá trị pháp lý và quan hệ vợ chồng giữa nam nữ chưa được pháp luật công nhận.

Đối với những trường hợp này, pháp luật không ngăn cản việc khai sinh cho con của bố mẹ. Tuy nhiên, do quan hệ hôn nhân không được công nhận nên chỉ có thể đăng ký khai sinh cho đứa trẻ thuộc trường hợp chưa xác định cha hoặc mẹ, người con sinh ra của 2 vợ chồng sẽ là con ngoài giá thú.

"Trường hợp này, nếu giấy đăng ký kết hôn không có chữ ký của 2 vợ chồng, văn bản này sẽ không có hiệu lực. Khi đó, mối quan hệ hôn nhân giữa bà S. và ông T. không được pháp luật công nhận, dẫn tới việc đứa trẻ sinh ra chỉ có thể khai sinh thuộc trường hợp chưa xác định cha hoặc mẹ", luật sư phân tích.

"Thi thể" có phải tài sản tranh chấp không?

Về vấn đề an táng cho ông T., theo ông Hùng, pháp luật hiện hành không có quy định bắt buộc về nơi an táng của cá nhân. Nếu có nguyện vọng được an táng, gia đình ông T. có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét dựa trên căn cứ quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng pháp luật hiện tại chưa có quy định cụ thể về nơi an táng bắt buộc của người chết. Việc lựa chọn nơi an táng do các thành viên gia đình tự thương lượng, thỏa thuận, nhưng phải đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường theo Điều 63 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Điều 55 Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Vụ tranh chấp thi thể tại Đắk Nông: Có bắt buộc phải an táng tại quê nhà? - 3

Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội).

Tuy nhiên, có một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm, đó là giấy đăng ký kết hôn giữa ông T. và bà S. không có chữ ký của 2 người. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục xác minh làm rõ tính chính xác của chi tiết này. Nếu thông tin chính xác, mối quan hệ hôn nhân giữa bà S. và ông T. sẽ không được công nhận, dẫn tới việc bà S. không còn thuộc hàng thừa kế thứ nhất sau khi người đàn ông qua đời.

Khi đó, người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông T. sẽ là các con và cha mẹ đẻ của người này. Do 2 người kết hôn vào năm 2008, các con chưa đủ 18 tuổi nên mẹ ruột ông T. có thể là người được ưu tiên quyết định việc mai táng trong trường hợp này.

Do vậy, nếu gia đình có yêu cầu thì tòa án có thể xem xét bởi vấn đề này liên quan đến quyền nhân thân được quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015.

Về vấn đề "tranh chấp thi thể", luật sư Trần Minh Hùng cho biết, tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 gồm động sản và bất động sản, có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Trong khi đó, "thi thể" liên quan tới quyền nhân thân của con người và không thể trở thành tài sản tranh chấp. Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về trách nhiệm chôn cất của gia đình khi có người mất nhưng thông thường, theo tập quán, khi chồng mất thì vợ và các con sẽ thực hiện việc chôn cất, an táng.

Khoản 2, Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rõ trong trường hợp các bên không thỏa thuận, pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán, nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Do đó, việc vợ ông T. được quyền chôn cất, mai táng thi thể chồng là hợp lý.

Hoàng Diệu