Vụ thu 8 triệu để làm giấy khai sinh: Phó chủ tịch xã có sai không?
(Dân trí) - Theo luật sư, phó chủ tịch xã đã không giải thích đầy đủ, chính xác thủ tục đăng ký khai sinh cho người dân và có dấu hiệu lạm quyền khi tự ý dẫn người tới lấy máu, thu tiền của người dân.
Như Dân trí đã thông tin, tháng 8 vừa qua, chị Đ.N.Q.T. (18 tuổi, ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đến trụ sở UBND xã làm giấy khai sinh cho con trai và được ông Phan Danh Thắng (Phó chủ tịch xã) hướng dẫn các thủ tục. Vị phó chủ tịch xã nói rằng muốn làm giấy khai sinh cần có giấy xét nghiệm ADN chứng minh huyết thống giữa con và chồng chị T., chi phí 8 triệu đồng.
Dù gia đình chị T. chưa đồng ý, ông Thắng vẫn đưa người tới lấy máu chồng và con chị T. để xét nghiệm, thu của bố chồng chị 8 triệu đồng. Sau khi kết quả xác định 2 người cùng huyết thống, ngày 6/11, UBND xã Xuân Liên làm đăng ký khai sinh cho bé trai.
Ban Thường vụ Đảng ủy xã Xuân Liên yêu cầu ông Thắng trả lại 8 triệu đồng cho người dân và vị này đã thực hiện. Tổ chức sẽ tiến hành họp để có phương án xử lý trường hợp của ông Thắng.
Có bắt buộc phải xét nghiệm ADN hay không?
Hành động của ông Thắng khiến nhiều người bất bình. Bình luận dưới bài đăng của Dân trí, độc giả Vu van duc viết: "Quá xấu, ảnh hưởng tới niềm tin của người dân".
"Kỷ luật và cách chức ngay. Làm xấu hình ảnh Đảng viên, công chức và viên chức Nhà nước", anh Phạm Mạnh Đằng gay gắt.
"Lạ nhỉ, xét nghiệm 2 mẫu cũng mất mấy triệu trong số 8 triệu rồi, còn lại "sơ múi" được bao nhiêu đâu mà ông ấy vòi vĩnh. Nếu bố mẹ đứa trẻ không kết hôn thì khai sinh cho mẹ đơn thân, nếu bố mẹ có đăng ký kết hôn thì chỉ cần cam kết thừa nhận con chung là xong", độc giả Nguyên Nguyễn bình luận.
Trong khi đó, độc giả Dat Nguyen lại cho rằng việc xét nghiệm ADN là cần thiết bởi trong trường hợp không có giấy chứng sinh từ bệnh viện, phiếu kết quả xét nghiệm sẽ là cơ sở quan trọng để làm giấy khai sinh. Tương tự, độc giả Vũ Bùi Tường cũng cho rằng nếu cha mẹ không đăng ký kết hôn, kết quả xét nghiệm ADN sẽ là tài liệu quan trọng chứng minh em bé có quan hệ cha con với người cha trên giấy khai sinh hay không. Khi đó, muốn làm khai sinh có tên cha thì cần xét nghiệm ADN để nhận cha con.
Từ đó, anh cho rằng có 2 vấn đề cần làm rõ: Thứ nhất, đó là cha mẹ của bé đã làm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hay chưa? Nếu chưa thì việc xét nghiệm là cần thiết. Thứ hai, người hưởng lợi từ số tiền 8 triệu đồng trên là phó chủ tịch xã hay công ty xét nghiệm.
Bình luận về sự việc, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, căn cứ Luật Hộ tịch 2014, Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Thông tư 04/2020/TT-BTP, những trường hợp sau đây được khuyến khích xét nghiệm ADN khi làm giấy khai sinh:
Thứ nhất, đăng ký khai sinh cho con lần đầu khi bố mẹ không đăng ký kết hôn; hoặc thời điểm con sinh ra trước khi bố mẹ làm đăng ký kết hôn;
Thứ hai, đăng ký khai sinh cho con lần đầu khi bố hoặc mẹ là người nước ngoài;
Thứ ba, đổi họ cho con trong giấy khai sinh sang họ của bố.
Theo thông tin báo chí đăng tải, chị T. và chồng đã làm lễ cưới vào tháng 12/2021. Do người mẹ chưa đủ tuổi làm Giấy đăng ký kết hôn nên tới tháng 8 năm nay, khi đủ 18 tuổi thì chị T. mới tới UBND xã đăng ký kết hôn, đồng thời làm giấy khai sinh cho con sinh vào tháng 6/2022.
Như vậy, luật sư nhìn nhận đây thuộc trường hợp khai sinh khi bố mẹ chưa có Giấy đăng ký kết hôn vào thời điểm sinh con ra. Ngoài ra, giữa các bên không có tranh chấp nên chính quyền địa phương sẽ kết hợp giải quyết nhận con và làm khai sinh theo thủ tục đăng ký hộ tịch.
Trích dẫn quy định tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP, ông Hùng cho biết để chứng minh quan hệ huyết thống giữa cha, mẹ và con thì cần có văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền khác để xác nhận quan hệ nhân thân. Trường hợp không có văn bản xác nhận thì cần có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
"Như vậy, kết quả xét nghiệm ADN là căn cứ chứng minh mối quan hệ cha, mẹ con và giúp thủ tục làm giấy khai sinh được thuận lợi. Kết quả xét nghiệm ADN được dùng để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con phải là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, mẹ con.
Tuy nhiên, không bắt buộc phải có giấy xét nghiệm ADN để làm giấy khai sinh cho con. Hai bên có thể làm cam kết và có ít nhất hai người làm chứng", luật sư phân tích.
Đối chiếu với tình huống này, có thể thấy phó chủ tịch xã đã không giải thích, hướng dẫn đầy đủ, chính xác thủ tục giải quyết đăng ký khai sinh cho người dân. Đồng thời, vị này đã có dấu hiệu lạm quyền, dẫn người lạ mặt đến lấy máu xét nghiệm và thu 8 triệu đồng. Đây là hành vi không phù hợp quy định của pháp luật.
Chế tài nào chờ đợi phó chủ tịch xã?
Do đây là hành vi không phù hợp quy định pháp luật, có dấu hiệu lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi nên vị Phó chủ tịch xã Xuân Liên có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách, căn cứ khoản 2, Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, trong trường hợp cơ quan công an vào cuộc, một trong những yếu tố cần đặc biệt lưu tâm là giá trị tài sản mà vị phó chủ tịch thu về cho bản thân (nếu có) bởi hành vi trên. Nếu có cơ sở cho thấy ông Thắng đã thu lợi từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, trách nhiệm hình sự có thể được xem xét áp dụng.
Theo Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015, người nào có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp theo luật định thì sẽ bị xử lý hình sự. Mức phạt cơ bản của tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là 1-6 năm tù.
Hoàng Diệu