Đã có vợ, có được đứng tên trong giấy khai sinh cho con ngoài giá thú?

Khả Vân

(Dân trí) - Tôi đã có vợ và con hợp pháp, nhưng trót quan hệ với một nữ đồng nghiệp và có con với cô ấy. Vậy khi làm giấy khai sinh cho con riêng, tôi có được để tên họ của mình và tên của mẹ đẻ em bé không?

Trả lời:

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn đang có vợ và quan hệ vợ chồng của bạn vẫn chưa chấm dứt. Việc bạn chung sống với người khác và có con là vi phạm điều cấm của pháp luật, cụ thể khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

"2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;...".

Giữa bạn và mẹ đứa trẻ kia không phải là quan hệ vợ chồng hợp pháp, nên con của 2 người sẽ là con ngoài giá thú.

Tuy nhiên, do bạn không nói rõ cô đồng nghiệp đã có gia đình chưa, để làm thủ tục cấp giấy khai sinh cho cháu bé, tôi sẽ phân tích làm 2 trường hợp.

Trường hợp 1: Nếu người mẹ của đứa trẻ chưa có chồng thì bạn có thể làm thủ tục xin giấy xác nhận quan hệ cha con và làm giấy khai sinh cho con mang họ của bạn tại Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn nơi đứa trẻ cư trú hoặc nơi bạn cư trú.

Căn cứ Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành thì khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ. Cụ thể, trình tự, thủ tục tiến hành như sau:

- Cơ quan có thẩm quyền đăng ký: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú.

- Hồ sơ cần chuẩn bị:

+ Tờ khai đăng ký khai sinh và tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

+ Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định như văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật;

+ Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định như: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. Trường hợp không có văn bản này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

- Trình tự, thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Như vậy, trong trường hợp này bạn hoàn toàn có thể làm giấy khai sinh cho con và để tên họ của bạn cũng như mẹ đẻ đứa trẻ trong giấy đăng ký khai sinh của con.

Trường hợp 2: Nếu đồng nghiệp của bạn đã có chồng hợp pháp thì về nguyên tắc tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc trong thời gian 300 ngày kể từ ngày chấm dứt hôn nhân thì được xác định là con chung của hai vợ chồng. Đồng nghĩa với việc trên giấy khai sinh của cháu sẽ thể hiện tên cha là người chồng hợp pháp trên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Lúc này, nếu bạn muốn nhận con và đăng ký khai sinh cho con theo họ của bạn thì bạn cần phải thực hiện nộp đơn khởi kiện gửi tới tòa án nhân dân cấp quận/huyện/thị xã/ thành phố trực thuộc tỉnh nơi con bạn cư trú để yêu cầu tòa án giải quyết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm