Mẹ chưa 18 tuổi có được làm khai sinh cho con? Người bố có vướng lao lý?

Hải Hà

(Dân trí) - Con gái tôi chưa đủ 18 tuổi nhưng đã lỡ dại và chuẩn bị sinh con. Vậy cháu có đủ điều kiện làm giấy khai sinh cho con không? Và bạn trai cháu liệu có bị phạt vì quan hệ với người dưới 18 tuổi không?

Tôi tìm hiểu thì được biết người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được coi là người trưởng thành và có đầy đủ năng lực, hành vi dân sự.  Tôi đang rất băn khoăn khi con gái chưa đầy 18 tuổi đã sắp sinh, vì đứa trẻ sinh ra không thể không được khai sinh, mà nhỡ khai sinh được, bố cháu lại bị đi tù thì tội quá!

Hay tôi đợi con gái tôi đủ 18 tuổi rồi mới khai sinh cho cháu ngoại thì có được không?

Độc giả Thanh Trầm

Mẹ chưa 18 tuổi có được làm khai sinh cho con? Người bố có vướng lao lý? - 1

Ảnh minh họa.

 Trả lời:

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nam từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là đủ tuổi đăng ký kết hôn. Đa số các cặp đôi đều đăng ký kết hôn trước sau đó mới sinh con để cùng nhau làm Giấy khai sinh và được công nhận là cha, mẹ của con.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015, mỗi cá nhân từ khi sinh ra đều có quyền được khai sinh.

Đồng thời, Điều 13 Luật Trẻ em 2016 cũng tiếp tục khẳng định, trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, quốc tịch và được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khai sinh là quyền lợi chính đáng của trẻ em, không phân biệt trẻ em được sinh ra trong hoàn cảnh nào, kể cả việc người mẹ chưa đủ 18 tuổi để đăng ký kết hôn.

Làm Giấy khai sinh cho con khi mẹ chưa đủ 18 tuổi như thế nào?

Giấy khai sinh của trẻ em được sinh ra khi bố mẹ chưa kết hôn sẽ bỏ trống tên cha và xác định họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ.

Nếu muốn có tên cha trong Giấy khai sinh, cha, mẹ của trẻ phải cùng lúc thực hiện thủ tục nhận cha con và đăng ký khai sinh cho con.

Cụ thể, Căn cứ Quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020 của Bộ Tư pháp, thủ tục làm Giấy khai sinh cho con khi mẹ chưa đủ 18 tuổi thực hiện như sau: 

Bước 1: Người đi đăng ký khai sinh cho trẻ chuẩn bị hồ sơ.

Thành phần hồ sơ để nộp bao gồm:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định;

- Giấy chứng sinh;

- Nếu kết hợp thủ tục nhận cha con thì có thêm:

+ Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

+ Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con là văn bản được cấp bởi cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên phải lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con. Trong đó có ít nhất 02 người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Bước 2: Nộp giấy tờ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha (nếu thực hiện đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con).

Ngoài hồ sơ để nộp, người yêu cầu làm Giấy khai sinh còn cần đem theo các giấy tờ sau để xuất trình:

- Hộ chiếu/Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/các giấy tờ khác có ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.

- Trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thì cần có thêm giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, bao gồm: Hộ chiếu, giấy tờ đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh; văn bản xác nhận việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam của cơ quan công an có thẩm quyền 

Bước 3: Ủy ban nhân dân xã tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy khai sinh

Công chức xã tiếp nhận sẽ kiểm tra toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ và giấy tờ xuất trình.

Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu xét thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, lấy Số định danh cá nhân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cấp Giấy khai sinh cho người yêu cầu.

Quan hệ với người dưới 18 tuổi dẫn đến có thai, có vi phạm pháp luật không? 

Do bạn không nói rõ thời điểm phát sinh quan hệ tình dục nên chúng tôi sẽ chia làm hai trường hợp như sau:

- Trường hợp quan hệ phát sinh khi người bạn gái trên 16 tuổi: Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định tội phạm với hành vi giao cấu với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (tất nhiên việc giao cấu phải là thuận tình, không có sự cưỡng ép hoặc bị dùng vũ lực hoặc hành vi mua dâm người chưa thành niên).

Vì vậy, trong trường hợp này, bạn trai của con gái bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giao cấu đã thực hiện. Tuy nhiên người đó sẽ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với em bé (khi em bé đó được sinh ra).

- Trường hợp quan hệ tình dục trái ý muốn của người bạn gái: Có thể cấu thành tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. 

Tuy nhiên, với sự lo lắng của bạn về việc sợ bố cháu bé bị đi tù, có nghĩa là gia đình bạn không có ý định kiện người con trai ra trước cơ quan có thẩm quyền thì ở trường hợp này người con trai sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giao cấu đã thực hiện. Như vậy, gia đình hoàn toàn có thể làm thủ tục khai sinh cho cháu bé như hướng dẫn trên đây.