Vụ "Thầy Long" xúc phạm Đức Thánh Trần: Có thể đối diện hình phạt nào?
(Dân trí) - Văn hóa tín ngưỡng là truyền thống lâu đời. Đề nghị có chế tài nghiêm trị bất cứ hành vi nào báng bổ, xúc phạm đến anh linh các vị anh hùng dân tộc đã được sử sách và nhân dân ngàn đời tôn vinh.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip của chủ tài khoản tự xưng là "Thầy Long" với nội dung mang tính chất xúc phạm anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, đồng thời có những lời nói và hành động xúc phạm tín ngưỡng thánh Mẫu.
Trong clip người tự xưng là "Thầy Long" khoe khoang người này và "học trò" mới có hành trình đi vào trong TPHCM trong thời điểm giãn cách xã hội. "Tôi thấy cộng đồng antifan tố cáo tôi trong chuyện đi lại không giấy tờ. Trong thời điểm này, TPHCM một con kiến không chui lọt, tôi to gấp nghìn lần con kiến, thế mà tôi vẫn vào", người tự xưng là "Thầy Long" khoe khoang trên mạng xã hội.
Cụ thể, trong clip đăng trên Youtube mang tên "Hình phạt cho tam tòa thánh Mẫu", người tự xưng là "Thầy Long" cho rằng, vị danh nhân Trần Hưng Đạo cũng phải "quỳ gối" trước mặt người này. Sau đó, "Thầy Long" thực hiện các hành động cho các antifan biết "quyền lực" của mình bằng cách ném các lá bài vào mặt 3 vị mẫu đáng kính bậc nhất trong đạo Mẫu.
Sau khi clip trên được lan truyền, nhiều ý kiến gay gắt lên án và đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, có biện pháp xử lý nghiêm hành vi xúc phạm di sản tín ngưỡng, báng bổ danh nhân, đồng thời tuyên truyền mê tín dị đoan.
"Tam tòa Thánh Mẫu là văn hóa tâm linh nguồn cội của người Việt, Đức Thánh Trần là biểu tượng anh hùng của dân tộc Việt, những hành động này là xúc phạm văn hóa tín ngưỡng, xúc phạm anh hùng dân tộc, cần nghiêm trị để răn đe", bạn đọc Hùng Anh nêu quan điểm.
"Việc phỉ báng tôn giáo, văn hóa là không thể chấp nhận được", bạn đọc Đỗ Hạnh viết.
"Tại sao nhiều cơ quan công quyền cứ phải chờ có người lên tiếng (khiếu nại, tố cáo) thì mới bắt đầu "nắm bắt thông tin", mà không chủ động lên tiếng. Họ không theo dõi thông tin, hay họ né tránh, hay họ quên mất nghĩa vụ, trách nhiệm của mình? Về cái ông "thầy Long" này, thiết nghĩ đã quá đủ điều kiện để xử lý, sao chẳng thấy cơ quan quản lý nào ra tay? Chờ đến khi nào nữa?", bạn đọc Minh Huệ băn khoăn.
"Văn hóa tín ngưỡng là truyền thống lâu đời không ai được lợi dụng xúc phạm. Đề nghị có chế tài nghiêm trị bất cứ hành vi nào báng bổ, xúc phạm đến anh linh vị anh hùng dân tộc đã được sử sách và nhân dân ngàn đời tôn vinh. Bây giờ không gian mạng loạn quá, nhiều người tự cho mình có quyền thóa mạ xúc phạm bất kỳ ai. Chắc chưa bị phạt nặng thì chưa biết sợ đây mà", bạn đọc Nguyễn Mơ viết.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây được xác định là hành vi xuyên tạc, xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo thờ đạo Mẫu của Việt Nam.
Có thể thấy rằng tín ngưỡng dân gian của người Việt nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là sản phẩm văn hóa của người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu được người Việt gửi gắm trong đó những suy nghĩ, những quan niệm, những tình cảm mang tính trực quan cảm tính về vũ trụ, về con người, về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và về mối quan hệ giữa con người với xã hội, trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong đời sống tâm linh người Việt.
Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 nghiêm cấm hành vi "Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo".
Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 64 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016).
Với những việc làm trên, người này đã thực hiện hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm… xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức.." được quy định tại điểm g, khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Với vi phạm trên, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.