Vụ thanh niên lao vào ô tô, bay lên không: Có thể xử lý hình sự phụ huynh?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, vấn đề mấu chốt là phụ huynh hoặc chủ xe có biết rõ thanh niên không đủ điều kiện nhưng vẫn giao xe, dẫn tới hậu quả chết người và thiệt hại về tài sản hay không.

Như Dân trí thông tin, khuya 9/12, xe máy do Lê Văn Mạnh (16 tuổi, ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển chở theo Nguyễn Xuân Hiếu (16 tuổi) chạy tốc độ cao sang làn ngược chiều và lao thẳng vào đầu ô tô con tại khu vực xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa). 

Vụ tai nạn khiến Mạnh bị hất lộn nhào lên cao, rơi xuống đường, tử vong tại bệnh viện còn Hiếu bị thương nặng, ô tô con bị bung nắp capo, hư hỏng nặng phần đầu. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. 

Trong sự việc trên, với việc Mạnh mới 16 tuổi và chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy, phụ huynh hoặc người giám hộ của thanh niên này có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không?. 

Vụ thanh niên lao vào ô tô, bay lên không: Có thể xử lý hình sự phụ huynh? - 1

Hình ảnh ghi lại vụ va chạm (Ảnh: Cắt từ clip).

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, chủ sở hữu, người quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng sử dụng rượu bia, gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người; gây thương tích cho 1 người từ 61% trở lên hay gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên... thì bị xử lý về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Khung hình phạt cơ bản của tội danh này là phạt tiền 10-50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trường hợp gây hậu quả làm chết 2 người trở lên hay gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng trở lên, tùy thuộc tính chất và hậu quả của hành vi, mức phạt cao nhất có thể áp dụng là 2-7 năm tù. 

Đối với tình huống trên, có 2 vấn đề cần tập trung làm rõ như sau: 

Thứ nhất, về ý chí chủ quan, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc phụ huynh hoặc chủ sở hữu phương tiện có biết rõ việc nam thanh niên mới 16 tuổi, chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện nhưng vẫn cố tình giao xe cho người này tham gia giao thông, gây tai nạn hay không; 

Thứ hai, về hậu quả, ngoài hậu quả chết người, cơ quan công an cũng sẽ tiến hành giám định nhằm xác định mức độ thiệt hại về tài sản của chủ xe ô tô con trong vụ việc này ở mức nào. 

Từ hai căn cứ pháp lý trên, nếu có cơ sở cho thấy phụ huynh hoặc chủ xe máy biết rõ nam thanh niên không đủ điều kiện nhưng vẫn giao xe, với hậu quả làm chết một người, người này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Ngược lại, nếu phụ huynh hoặc chủ xe hoàn toàn không biết về việc nam thanh niên lấy xe máy để tham gia giao thông hoặc bị lừa dối về việc đã đủ điều kiện điều khiển phương tiện, trách nhiệm hình sự có thể được miễn đề cập.

Về mức độ thiệt hại tài sản của chủ xe ô tô con, đây sẽ là căn cứ để xác định tình tiết định khung cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự của những người có lỗi trong sự việc nêu trên.