Đã có tiền án, đối tượng chặn xe đập vỡ kính có thể bị xử lý ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, cần làm rõ Toàn đã được xóa án tích hay chưa, đồng thời xác định mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi mà đối tượng gây ra như thế nào.

Lê Xuân Toàn (38 tuổi, quê Hà Nội) đang bị Công an TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, tạm giữ để điều tra các hành vi Gây rối trật tự công cộng và Cố ý làm hư hỏng tài sản. Toàn là đối tượng dùng xe máy chặn đầu, hành hung tài xế và lấy thanh sắt đập vỡ kính ô tô trên đường ĐT747A đoạn qua huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) chiều 7/12. 

Theo công an, tại thời điểm thực hiện hành vi, Toàn có nồng độ cồn trong máu. Về lý lịch, đối tượng đã có một tiền án về tội Giết người. 

Với việc đã có một tiền án, đối tượng có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ra sao theo quy định pháp luật? 

Đã có tiền án, đối tượng chặn xe đập vỡ kính có thể bị xử lý ra sao? - 1

Lê Xuân Toàn (Ảnh: Công an cung cấp).

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)  đánh giá hành vi của Toàn thể hiện sự ngông cuồng, bất chấp, coi thường mọi chuẩn mực ứng xử trong tham gia giao thông, xâm phạm nghiêm trọng tới an ninh trật tự xã hội, quyền tài sản cũng như đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của người khác. Với diễn biến hành vi của Toàn, việc cơ quan điều tra tạm giữ nghi phạm để điều tra các hành vi có dấu hiệu Gây rối trật tự công cộng và Cố ý làm hư hỏng tài sản là hoàn toàn có cơ sở. 

Về việc đối tượng từng có tiền án về tội Giết người, luật sư cho biết theo khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm được coi là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong đó, theo Điều 53 Bộ luật này, các khái niệm trên được giải thích như sau: 

Tái phạm là trường hợp người đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Về thời gian xóa án tích, khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người bị kết án sẽ đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong một thời gian nhất định. 

Cụ thể, với trường hợp bị phạt tù từ 5 đến 15 năm, thời gian để được mặc định xóa án tích là 3 năm. Trường hợp người phạm tội bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng được giảm án, thời gian mặc định xóa án tích là 5 năm. 

Đã có tiền án, đối tượng chặn xe đập vỡ kính có thể bị xử lý ra sao? - 2

Khoảnh khắc Toàn dừng xe, va chạm với tài xế ô tô (Ảnh cắt từ clip).

Như vậy, đối với trường hợp này, để xác định đối tượng có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm nếu bị xử lý hình sự hay không, trước tiên cần làm rõ việc Toàn đã được xóa án tích hay chưa. 

Tiếp đó, cần xác định tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của Toàn đối với vụ việc trên, từ đó xác định hành vi của đối tượng thuộc nhóm tội nào (nguy hiểm, rất nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm...) trong trường hợp bị xử lý hình sự.

Từ những căn cứ trên, cơ quan điều tra sẽ đánh giá việc Toàn có thuộc trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm hay không, từ đó đưa ra chế tài xử lý phù hợp đối với nghi phạm. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm