Vụ thai phụ bị bạo hành dã man: "Quay lại Hải Dương lúc này rất nguy hiểm!"
(Dân trí) - Độc giả Dân trí lo ngại việc thai phụ quay lại Hải Dương lúc này rất nguy hiểm và thắc mắc, Công an Hải Dương có thể ủy quyền cho Công an Kiên Giang làm việc với nạn nhân được không?
Như đã đưa tin, câu chuyện về người phụ nữ mang bầu ở Kiên Giang lấy chồng ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương và bị chồng bạo hành dã man như thời trung cổ đang khiến dư luận phẫn nộ.
Chia sẻ với PV Dân trí, chị Bùi Thị Tuyết G. (38 tuổi, ngụ xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) - nạn nhân bị bạo hành kể: "Anh ta treo tôi lên trần nhà rồi dùng dây nồi cơm điện, thắt lưng đánh vào lưng, tay; cầm cục sắt đập vào hai đầu gối. Có lần còn nướng cọng kẽm nóng dí vào mặt tôi...".
Lãnh đạo Công an huyện Kim Thành cho biết, đơn vị đang xác minh, điều tra thông tin sự việc nói trên.
Chị G. cũng xác nhận vừa nhận được giấy mời làm việc của Công an huyện Kim Thành về những thông tin trên mạng những ngày qua.
"Ban đầu tôi cũng sợ quay lại Hải Dương, nhưng hôm trước, cha và anh chồng tôi từ Hải Dương vào Kiên Giang để nói chuyện với gia đình tôi. Họ hứa sẽ đảm bảo an toàn cho tôi khi trở lại Hải Dương vào ngày 22/5", chị G. cho biết
Trước thông tin sự việc, gửi bình luận về báo Dân trí, độc giả Pham Hong Long cho rằng, "Với tinh thần bảo vệ người bị hại, nhất là trong vụ án bạo hành tàn khốc thế này, cơ quan công an nên chủ động đến với nạn nhân để thể hiện tính nhân đạo, vì con người hơn là triệu tập nạn nhân về chính nơi gây ra nỗi kinh hoàng cho họ".
Độc giả Trần Trọng Minh đồng quan điểm và thắc mắc: "Công an Hải Dương có thể ủy quyền cho Công an Kiên Giang làm việc với nạn nhân được không?".
Nhiều độc giả cùng chung suy nghĩ khi cho rằng, chị G không nên ra Hải Dương nữa, chỉ khi công an đảm bảo đưa đón an toàn mới nên đi.
"Bạn vừa thoát khỏi địa ngục, nên cần hết sức cảnh giác để giữ an toàn cho bản thân. Rất mong các cấp chính quyền vào cuộc để bảo vệ tính mạng và công bằng cho chị G.. Đồng thời mong các cấp lãnh đạo công an chỉ đạo cho lấy thông tin tại chỗ để thai phụ không phải ra Hải Dương vì đi đường rất bất lợi cho sức khỏe và an toàn tính mạng của người đang mang thai 7 tháng. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho thai phụ, mong Công an có biện pháp nghiệp vụ để bảo vệ cho thai phụ được bình an", độc giả Tâm Anh đề xuất.
Độc giả Linh Linh bày tỏ: "Tôi đề nghị Công an huyện Kim Thành và Viện kiểm sát nhân dân huyện Kim Thành có biện pháp ngăn chặn người chồng vũ phu này và đảm bảo an toàn khi cô gái trở lại Hải Dương làm việc với Công an. Trân trọng!".
Công an Hải Dương có thể ủy thác cho công an Kiên Giang làm việc với thai phụ!
Đó là khẳng định của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội trước băn khoăn của nhiều độc giả Dân trí.
Luật sư Tiền viện dẫn, theo quy định tại mục 1.4 Điều 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11), nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai; hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.
"Theo quy định tại Điều 171 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra có quyền ủy thác cho cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp cần thiết. Trong trường hợp này, Công an Hải Dương có thể ủy thác cho Công an Kiên Giang để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, để chị G. không phải ra Hải Dương nữa", luật sư Tiền cho biết.
Người chồng vũ phu có thể đối diện 2 tội danh?
Luật sư Tiền phân tích, trong cuộc sống hôn nhân vợ chồng không thể tránh những mâu thuẫn và việc thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông cho nhau chính là biện pháp để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, không ít các vụ việc người chồng vì những mâu thuẫn nhỏ mà đã có hành vi bạo lực về thể xác và tinh thần với người vợ, thậm chí gây ảnh hưởng đến cả những đứa trẻ.
Rõ ràng không một lý do nào có thể biện minh cho hành vi bạo hành, đánh đập vợ con của người chồng. Đặc biệt, nạn nhân trong vụ việc mới đây là chị G. dù đang mang thai 7 tháng nhưng vẫn phải chịu những trận đòn roi vô tội vạ của chồng, cố gắng sinh tồn để bảo vệ sinh linh bé nhỏ.
Để có căn cứ nhanh chóng xử lý vụ việc này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để điều tra, xác minh, làm rõ, kịp thời xử lý hành vi trái pháp luật của người chồng.
Hành vi của người chồng là hành vi trái pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ mà của người chồng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp hành vi của người chồng nếu chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình căn cứ quy định tại Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, anh ta có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời buộc xin lỗi công khai khi người vợ có yêu cầu và buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp, người có hành vi bạo hành, đối xử tồi tệ, bạo lực xâm phạm thân thể của vợ con, làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác và tinh thần hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Khoản 2 Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, người này sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm với tình tiết định khung là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu.
Trường hợp sau khi có kết luận giám định thương tích của cơ quan chức năng, người có hành vi bạo lực cũng có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tù thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy theo tỷ lệ tổn thương cơ thể theo kết luận của cơ quan giám định.
Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ thêm, bạo lực gia đình là vấn đề của gia đình, cộng đồng và xã hội. Do đó, việc xóa bỏ bạo lực gia đình không là trách nhiệm của riêng ai mà đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và quốc gia trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Chỉ khi nào công tác phòng, chống bạo lực được triển khai có hiệu quả thì lúc đó gia đình mới được coi là chốn yên bình và hạnh phúc của các thành viên trong gia đình và chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và phát triển bền vững.