Vụ tai nạn 2 người chết trên cao tốc dưới góc nhìn pháp lý

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, cả lái xe bán tải và lái xe VF9 đều có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Sáng 11/7, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra giữa một xe khách 16 chỗ, xe bán tải và xe ô tô VF9 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến anh Quách Văn Lâm (35 tuổi, lái xe khách) và anh Trịnh Tuấn Anh (34 tuổi, người ngồi trên xe bán tải) tử vong, 10 người khác bị thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu còn 3 phương tiện va chạm bị hư hỏng nặng. 

Nguyên nhân vụ việc xuất phát từ va chạm giữa xe khách và xe bán tải khiến anh Lâm, anh Tuấn Anh cùng một người nữa xuống xe để tranh cãi. Trong lúc tranh cãi, xe VF9 lao tới húc vào đuôi xe khách gây ra vụ tai nạn đáng tiếc. 

Trong vụ việc này, các tài xế có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao? 

Vụ tai nạn 2 người chết trên cao tốc dưới góc nhìn pháp lý - 1

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: T.M).

Trách nhiệm của 2 tài xế dừng đỗ xe

Luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá đây là sự việc hết sức đáng tiếc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Dưới góc độ pháp lý, dù nguyên nhân trực tiếp dẫn tới chết người là cú tông của xe VF9 song trách nhiệm của tài xế xe khách và xe bán tải chắc chắn sẽ không thể bị bỏ qua. 

Trích dẫn quy định về dừng đỗ xe tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008, ông Tuấn cho biết người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe phải chấp hành đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định như phải có đèn tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải chiều đi của mình; phải chèn bánh trên đoạn đường dốc hay nếu đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở trước và sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết…

Ngoài ra, đối với trường hợp bắt buộc phải dừng xe trên cao tốc, khoản 3 Điều 26 Luật này quy định người điều khiển chỉ được dừng, đỗ phương tiện ở nơi quy định trên cao tốc. Trường hợp buộc phải dừng đỗ không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để lái xe khác được biết. 

Đối chiếu vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, những thông tin được công an cung cấp cho thấy va chạm khởi điểm là va chạm nhẹ, chưa dẫn tới việc buộc xe 16 chỗ và xe bán tải phải dừng trên cao tốc. Tuy nhiên, các tài xế vẫn cho dừng phương tiện và cũng không đặt vật cảnh báo trên đường. Đây là hành động xâm phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng khiến 2 người tử vong. 

Bởi vậy, cơ quan chức năng có thể xem xét dấu hiệu tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Do tài xế xe khách đã tử vong, trách nhiệm hình sự sẽ chỉ còn được đánh giá đối với tài xế xe bán tải. 

Vụ tai nạn 2 người chết trên cao tốc dưới góc nhìn pháp lý - 2

Xe VF9 biến dạng sau vụ tai nạn (Ảnh: Trung Hiếu).

Số phận pháp lý của tài xế VF9

Về trách nhiệm pháp lý của tài xế VF9, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá dựa trên thông tin và hình ảnh hiện có, dù việc xe khách và xe bán tải dừng đỗ trên cao tốc để tranh cãi là sai nhưng đây không phải căn cứ pháp lý để miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với lái xe VF9.

"Dữ liệu camera cho thấy đây không phải tình huống bất ngờ hoặc sự kiện bất khả kháng. Tài xế VF9 có thời gian để quan sát và xử lý tình huống (đạp chết phanh, đánh lái sang làn bên cạnh khi không có xe...) nhằm tránh tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, lái xe đã không xử lý tốt, gây ra tai nạn rất nghiêm trọng làm 12 người thương vong. 

Trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hàng loạt yếu tố như khoảng cách từ thời điểm lái xe phát hiện phương tiện tới khi va chạm là bao xa (khả năng quan sát, tập trung), tốc độ phương tiện trước thời điểm xảy ra tai nạn là bao nhiêu (khả năng làm chủ tốc độ), tài xế đã xử lý ra sao khi phát hiện chướng ngại vật, đó đã phải phương án tối ưu hay chưa (khả năng xử lý tình huống)... Từ những căn cứ trên, yếu tố lỗi của người này sẽ được đánh giá một cách tỉ mỉ, khách quan và toàn diện để làm căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý", luật sư Trang phân tích. 

Trong trường hợp bị xác định có lỗi, người này có thể bị xử lý hình sự theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Khung hình phạt có thể áp dụng là 3-10 năm tù. 

Về trách nhiệm dân sự, nếu vụ việc được xác định có yếu tố lỗi hỗn hợp, các tài xế sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và gia đình các nạn nhân trong phần phạm vi thiệt hại do lỗi của mình gây ra. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm